Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

“3 xin” – Bài học ứng xử trong ngành y

10:58, 22/07/2015
(truyenhinhnghean.vn) Bộ Y tế vừa phát động phong trào “3 xin”, nghĩa là: xin chào, xin lỗi, xin phép, nhằm thay đổi toàn diện phong cách ứng xử với người bệnh.

 

Đều là những Bệnh viện chuyên khoa với số lượng bệnh nhân luôn quá tải, trong khi cơ sở vật chất chưa tương xứng, chật hẹp, thiếu thốn cả về trang thiết bị và giường bệnh, vì vậy, để làm hài lòng người bệnh là một việc quá khó đối với các bệnh viện như Bệnh viện nội tiết, Bệnh viện sản nhi hiện nay… nhưng cán bộ y tế, các bệnh viện đều đồng tình hưởng ứng với phong trào “3 xin” và quyết tâm thực hiện với hành động cụ thể.

 

Chăm sóc bệnh nhân tại phòng cấp cứu Bệnh viện HNĐK Nghệ An

 

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII  Nguyễn Văn Hoàn – Giám đốc Bệnh viện nội tiết Nghệ An cho rằng: Phong trào đổi mới phong cách ứng xử luôn cần thiết đối với ngành y tế. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị nhân lực, kỹ thuật thì đối với bệnh viện này vấn đề quan trọng mấu chốt để thành công là tinh thần thái độ phục vụ. Phải tận tình, đặt người bệnh là trung tâm cho mọi hoạt động củ bệnh viện nên việc thay đổi phong cách ứng xử đã được chúng tôi thực hiện từ lâu. Từ việc chọn cán bộ tính tình điềm đạm, nói năng nhẹ nhàng làm việc ở bộ phận tiếp đón, hàng tháng có đánh giá qua hộp thư góp ý. Nhờ vậy, dù quá tải nhưng ở bệnh viện chúng tôi gần như không có bệnh nhân phàn nàn về tinh thần thái độ của cán bộ nhân viên.    Ủng hộ phong trào 3”ba xin”, bác sĩ CKII Phan Văn Tư – Giám đốc Bệnh viện sản nhi Nghệ An thừa nhận: Dù đã thay đổi nhiều song vẫn còn nhiều bác sĩ, điều dưỡng có thái độ cư xử chưa đúng với người bệnh, gây bức xúc trong quá trình hợp tác KCB. Hưởng ứng cuộc vận động này, bệnh viện chúng tôi đã tổ chức lớp tập huấn, mời giáo sư tâm lý của ngành về trao đổi về phong cách ứng xử. Đối với tất cả các vị trí trong bệnh viện, chúng tôi đều có quy định về ứng xử, nhất là nới đón tiếp bệnh nhân.  

 

Thực tế việc thực hiện y đức, trong đó có tinh thần thái độ phục vụ người bệnh không phải là điều mới mẻ đối với ngành y tế Nghệ An. Với đề án nâng cao y đức được thực hiện trong hơn 10 năm qua đã làm thay đổi cơ bản diện mạo ngành y tế. Những phản ánh, phàn nàn của người dân về những tiêu cực, thiếu trách nhiệm, tinh thần thái độ đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Thanh Hài – xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương nói: Đến bệnh viện được nhân viên, bác sĩ chào hỏi, quan tâm từ bữa ăn giấc ngủ nên tôi thấy thoải mái yên tâm, đã cảm thấy khỏe hơn rồi.

Điều dưỡng Phan Thị Thìn – Khoa nội tiết niệu - thận nhân tạo - Bệnh viện HNĐK Nghệ An chia sẻ: Bệnh nhân khoa thận nhân tạo phải điều trị dai dẳng. Bệnh nhân đến đây luôn trong tâm trạng mệt mỏi, bi quan vì vậy dễ cáu gắt cả với nhân viên y tế. Nắm được tâm lý ấy nên trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn quan tâm đến việc hỏi thăm,động viên từng người, nhẹ nhàng, vui vẻ khi giao tiếp nên bệnh nhân rất hợp tác. 

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những bất cập trong quá trình thực hiện đề án nâng cao y đức của ngành y tế Nghệ An khiến việc thực hiện ít nhiều vẫn còn mang tính hình thức. Trong đó, ứng xử chưa tương xứng từ phía người dân, người bệnh đối với cán bộ y tế cũng là một trong những nguyên nhân. Và hầu hết cán bộ y tế đều mong muốn người dân cùng thực hiện việc thay đổi phong cách ứng xử trong bệnh viện.

Bác sỹ, Thạc sĩ Nguyễn Đức Phúc – Trưởng khoa cấp cứu – Bệnh viện HNĐK tỉnh tâm sự: Với tâm lý của người dân luôn cho mình và người nhà của mình là quan trọng nhất, bệnh nặng nhất nên nhiều khi họ tỏ thái độ yêu cầu thái quá đối với y bác sĩ. Điều này khiến việc cấp cứu khó khăn hơn, có khi đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chúng tôi cũng rất mong cùng với sự điều chỉnh của chúng tôi thì người dân cũng cần hiểu và chia sẻ, có thái độ tôn trọng cán bộ y tế. Chỉ khi đó mới có môi trường văn hóa bệnh viện văn minh được.

 

Khi người dân đi khám chữa bệnh là lúc tâm lý họ đang mệt mỏi, lo lắng, nếu y bác sĩ có thái độ ứng xử cởi mở, thân thiện thì không những tạo tâm lý an tâm, thoải mái và tin tưởng cho người bệnh và ngược lại không biết cách giao tiếp dễ gây bức xúc cho cả 2 phía. Vì vậy, phong trào “3 xin” của Bộ trưởng Bộ Y tế phát động thể hiện tầm quan trọng cũng như quyết tâm của ngành thực hiện đổi mới ứng xử trong ngành y.

 

(Hoài Thanh)