Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Điếc tai do nghề nghiệp và cách phòng tránh

07:12, 15/08/2015
Điếc tai do nghề nghiệp có tỷ lệ mắc đứng thứ 2 trong số các bệnh được bảo hiểm y tế chi trả. Đây là bệnh lý gây tổn thương tai vĩnh viễn nhưng có thể dự phòng bằng những biện pháp đơn giản.


Biểu hiện của bệnh điếc tai do nghề nghiệp

 

Điếc nghề nghiệp hay gặp ở những người lao động trong môi trường quá ồn ào (xây dựng, cơ khí, giao thông vận tải, khai thác khoáng sản,…). Tiếng ồn có thể làm ảnh hưởng nhiều mặt đối với sức khỏe người bệnh, giảm năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Người bị điếc tai thường có triệu chứng nghe kém ở cả hai tai. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 250 - 500 trường hợp mỗi năm được chẩn đoán là điếc nghề nghiệp.

 

Điếc nghề nghiệp diễn biến theo 3 giai đoạn với thời gian khác nhau tùy theo từng trường hợp. Giai đoạn đầu xảy ra từ vài tuần đến vài tháng sau khi tiếp xúc với tiếng ồn, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy ù tai, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, mất ngủ... Tiếp đến là giai đoạn tiềm tàng, người bệnh sẽ có triệu chứng nghe kém. Tình trạng này ngày càng gia tăng, kéo dài từ vài tháng tới vài năm. Đến giai đoạn rõ rệt, người bệnh sẽ thấy mình nghe kém ở cả 2 tai và dẫn tới điếc không thể hồi phục.

 

Cách phòng ngừa điếc tai do nghề nghiệp

 

Để hạn chế điếc tai do nghề nghiệp, người lao động cần lưu ý: sắp xếp không gian làm việc hợp lý, giảm tiếng ồn từ nguồn phát sinh. Nhưng trong thực tế, người lao động khó có thể thay đổi được tiếng ồn nơi mình làm việc, nên cần tự trang bị phương tiện bảo hộ cho đôi tai (nút tai, chụp tai…), bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

 

Nên phòng tránh điếc tai bằng cách đeo các phương tiện bảo hộ.

 

Doanh nghiệp cần tổ chức tập huấn cho công nhân về tác hại của tiếng ồn và điếc nghề nghiệp để họ tự phòng tránh là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi công nhân cần được đo thính lực và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Một số điều cần biết cho người bị suy giảm thính lực:

 

1. Nguyên nhân: Do tuổi cao, viêm nhiễm ở tai, tiếng ồn, sử dụng một số thuốc độc với thính giác, di truyền, sau chấn thương vật lý, dị vật, dị tật…

 

2. Hậu quả: Khó khăn trong giao tiếp vì không nghe được; rối loạn về tâm lý, trầm cảm, cảm giác bị cô lập, tính khí thất thường; với trẻ em hậu quả còn nặng nề hơn, ảnh hưởng tới học tập và tương lai của trẻ.

 

3. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, dùng thuốc: Ăn uống đủ dưỡng chất, ưu tiên các nhóm thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin D, hạn chế rượu bia, thuốc lá; tránh chấn thương ở vùng đầu, tai; không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai hoặc đưa vật lạ vào tai; tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tránh nơi có tiếng ồn lớn; tránh dùng những thuốc có nguy cơ độc với thính giác…

 

(Theo GĐ&XH)