Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thói quen xấu của người Việt cần thay đổi trong dịp Tết

08:07, 24/01/2018

Nhiều người có thói quen tích trữ đồ ăn đồ uống…dễ bị biến chất, ôi thiu. Gian thương nhân dịp này có cơ hội bán thực phẩm bẩn.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự.

Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết là khó tránh khỏi.

Hơn nữa, do mang tính chất thời vụ nên nhiều chủng loại thực phẩm được chế biến từ các cơ sở, cá nhân, các hộ gia đình thường không chuyên nghiệp, không đăng ký kinh doanh nên sản phẩm có nhiều nguy cơ không đảm bảo chất lượng ATVSTP.

Thực phẩm tết không nhãn mác, không hạn sử dụng bày bán tràn lan.
Thực phẩm tết không nhãn mác, không hạn sử dụng bày bán tràn lan.

Nhằm đảm bảo ATVSTP cho người dân, năm nay, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP có quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Các đoàn sẽ đồng loạt ra quân, kiểm tra trọng điểm tại 12 địa phương, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, là điểm nóng về VSATTP…

Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại Thủ đô trong dịp Tết.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong dịp Tết, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... do vậy vì lợi nhuận các đối tượng sản xuất, kinh doanh có thể làm giả, làm nhái sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng, vì vậy, người dân không nên dùng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường.

Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế ra quân tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng đoàn kiểm tra
Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng đoàn kiểm tra một cơ sở sản xuất mứt Tết tại Hà Nội.

Trong dịp Tết, người dân thường có thói quen tích lũy nhiều thực phẩm trong nhà, nhất là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều như bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau củ quả... Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng.

Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu. Vì vậy, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết bởi hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Để đảm bảo an toàn, ông Phong cho rằng người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng do lượng thực phẩm tiêu thụ trong ngày Tết: “Người dân đừng coi chiếc tủ lạnh là một "bảo bối" vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, không lạm dụng rượu bia và tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Thức ăn để lâu ngày dễ bị biến chất.
Thức ăn để lâu ngày dễ bị biến chất.

Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu. Bộ trưởng cũng yêu cầu lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các mặt hàng Tết có nguy cơ bị làm giả. Kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ.

Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết như bia rượu, bánh kẹo… Đặc biệt, sẽ kết hợp lấy mẫu test nhanh tại chỗ để cho kết quả ban đầu và có thể công bố ngay để xử lý sai phạm. “Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý, không để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Cục An toàn thực phẩm sẽ huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATVSTP, kiến thức về ATVSTP; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết, cũng như mùa Lễ hội xuân 2018.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết song ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm’, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói.

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ là liều thuốc đặc trị đối với các vụ vi phạm ATTP./.

Theo VOV