7 lưu ý dinh dưỡng cho bé ngày Tết mẹ nào cũng cần biết
Trẻ cần ăn đúng giờ, đủ bữa như ngày thường; ăn bánh chưng thì phải bớt cơm; hạn chế bánh kẹo, tăng rau xanh...
Theo bác sĩ dinh dưỡng Trần Thị Minh Nguyệt - chuyên gia dinh dưỡng Nutifood, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa (đau bụng, sốt, ói, tiêu chảy...) luôn gia tăng trong dịp Tết. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ bận rộn, cho trẻ ăn uống không điều độ, giờ giấc các bữa đảo lộn, thức ăn nhiều đường và chất béo khó tiêu, đồ hàng quán nhiễm khuẩn, thực phẩm biến chất do lưu trữ nhiều ngày...
Để trẻ ăn uống khỏe mạnh, bác Nguyệt lưu ý 5 điều dưới đây.
Hạn chế bánh kẹo
40-50g mứt, hoặc 14 viên kẹo trái cây, hoặc một lon nước ngọt cung cấp năng lượng bằng cả bát cơm. Nếu cha mẹ lơ là, trẻ sẽ ăn uống theo sở thích, ham bánh kẹo, nước uống có gas, thức ăn giàu chất béo. Đồ ăn vặt lấp đầy dạ dày, khiến bé bỏ bữa chính, biếng ăn cơm, gây hại sức khỏe và giảm đề kháng. Hậu quả là trẻ béo phì sẽ tăng cân sau Tết, còn trẻ thấp còi thì ngày càng teo tóp hơn.
Cha mẹ nên hạn chế cho bé ăn bánh kẹo, chỉ thưởng thức chút ít sau các bữa chính. Các loại thực phẩm giàu năng lượng như bánh chưng, món chiên rán, chả giò, lạp xưởng chế biến sẵn... nên ăn chừng mực.
Tăng rau xanh
Tâm lý "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" khiến các gia đình tụ tập ăn uống thoải mái. Bữa ăn ngày Tết thường nhiều đạm, ít rau xanh. Hầu như nhà nào cũng cúng mâm ngũ quả, song trái cây để tráng miệng lại thiếu thốn. Mẹ cũng dự trữ thịt cá, giò chả... nhiều hơn rau củ quả.
Thiếu rau xanh khiến trẻ dễ táo bón, ợ nóng, khó tiêu. Mẹ nên tích trữ nhiều rau xanh trong mùa Tết để cung cấp đầy đủ dưỡng chất và hỗ trợ bé tiêu hóa dễ dàng. Một số loại củ như khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào… có thể để lâu. Rau ăn lá làm sạch, để khô nước, sau đó bọc kín cất tủ lạnh sẽ bảo quản tốt hơn.
Ăn đúng giờ, đủ bữa
Nhiều cha mẹ bận rộn ngày Tết hoặc gặp di chuyển về quê xa, mà xuề xòa chuyện ăn uống đúng giờ, đủ bữa của con. Phụ huynh cần duy trì thời gian biểu 3 bữa càng giống ngày thường càng tốt. Giờ giấc đảo lộn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé "biểu tình".
Bữa sáng nên ăn trước 8h. Bác sĩ Nguyệt gợi ý thực đơn bữa sáng dễ làm cho trẻ nhỏ với miến gà và đu đủ chín. 11h30 trưa dùng cơm, súp, gà rô ti, trái cây, tráng miệng sữa chua và chút bánh mứt sau cùng. 19h dùng cơm chiều, bò xào khoai tây, canh mướp lòng gà, nho.
Với trẻ lớn, bữa sáng có thể nấu hủ tiếu thịt với giá, hẹ; hoặc miến xào cua, cà rốt, bông cải; hoặc bánh tét kèm dưa kiệu, salat dầu dấm và trái cây. Trưa và tối ăn cơm với canh giò nấu măng, vài miếng chả lụa hoặc chả giò. Nếu nhà có tiệc làm nhiều món mặn như nem, chả, thịt đông, gà quay, cá hấp…, thì chỉ nên ăn mỗi thứ miếng nhỏ; dùng thêm rau củ quả luộc, cà chua, dưa leo, trái cây.
Cân đối khẩu phần ăn
Bữa ăn vẫn cần đủ 4 nhóm chất (đạm, béo, đường bột, vitamin và khoáng chất). Mẹ có thể chế biến các món ăn nhanh mà vẫn đủ chất cho bé như cơm mềm, cháo, mì, nui, hủ tíu nấu với thịt, cá, trứng hoặc đậu phụ, rau củ... Khi đi tàu xe, nên chuẩn bị cho bé vài lát sandwich với dăm bông, phô mai, thêm quả chuối cau và hộp sữa bột pha sẵn là đủ.
Trẻ thừa cân béo phì đã ăn bánh chưng thì phải giảm cơm, bởi 1/8 chiếc bánh chưng (loại 1kg) bằng 1,5 bát cơm. Khi chế biến, nên ưu tiên luộc hấp, hạn chế các món chiên xào, sốt nhiều đường, uống sữa tách béo, không ăn muộn sau 20h.
Trẻ thấp còi cũng cần ăn uống lành mạnh và cân đối. Bữa chính cần đa dạng, đủ 4 nhóm chất, nên dùng các loại đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, cua tươi... giàu dinh dưỡng. Sữa nên dùng loại chuyên biệt dành cho trẻ suy dinh dưỡng.
Bổ sung thêm bữa phụ
Giữa các bữa chính nên bổ sung 2-3 bữa phụ bằng hoa quả, ngũ cốc, sữa dinh dưỡng. Bữa phụ sáng nên bắt đầu lúc 9h, phụ chiều 16h, phụ tối 20h trước khi đi ngủ. Nên uống tăng sữa nếu bé không thể ăn uống đầy đủ như ở nhà.
Sữa là nguồn cung cấp hầu hết chất dinh dưỡng cần thiết cho bé với tỷ lệ cân đối. Nếu trẻ trên 2 tuổi đang dùng sữa bột, mẹ có thể chuyển sang loại sữa pha sẵn tiện lợi, dễ sử dụng khi về quê ăn Tết. Cả hai đều có hàm lượng dinh dưỡng như nhau, song sữa bột pha sẵn như Nuti IQ, NuVita Grow, Grow Plus + của Nutifood… có dạng lỏng, bao bì hộp tiện lợi hơn.
Uống nhiều nước
Tết trùng với thời điểm giao mùa đông - xuân ở miền Bắc và đợt hanh khô ở miền Nam. Trẻ không chỉ mất nước vì thời tiết, mà còn bởi tâm lý lơ là, lười uống nước, ham rượu bia của cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh nên nhắc trẻ uống đủ nước lọc, trái cây ép; hạn chế nước ngọt và bim bim, bánh kẹo gây háo.
Bảo quản thức ăn đúng cách
Tết thường bày vẽ nhiều món ngon để cúng tổ tiên, đãi tiệc… Thức ăn nấu xong phải chờ thờ cúng, nên dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn. Ông bà, cha mẹ cũng hay lưu trữ đồ dư thừa qua nhiều ngày, thậm chí bánh chưng để ngoài trời cả tuần lễ. Trẻ có nguy cơ tiêu chảy cao nếu dùng phải thức ăn nhiễm khuẩn, dù chưa có mùi ôi thiu. Ngày Tết, tốt nhất cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn đồ tươi mới nhằm đảm bảo vệ sinh.
Theo VNE