Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Câu chuyện xúc động chưa kể về quá trình lấy giác mạc của bé gái 7 tuổi ở Hà Nội sau khi qua đời

15:56, 24/02/2018

Là người trực tiếp lấy giác mạc của bé gái 7 tuổi ở Hà Nội, kể lại câu chuyện với chúng tôi anh Nguyễn Hữu Hoàng- Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt TW) vẫn không khỏi xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của mẹ cháu bé và hình ảnh cô bé như thiên thần mà anh nhìn thấy khi anh và các đồng nghiệp đến nhà cô bé…

Một bé gái ở Hà Nội vừa bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng nhưng đã phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao từ tháng 9/2017. Trước đó vào cuối năm lớp 1, cháu bắt đầu có biểu hiện bất thường, không kiểm soát được hành vi, không nghe lời, sau đau đầu nhiều lên, gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn rồi lại chuyển qua Bệnh viện Nhi TW và cuối cùng chuyển đến Bệnh viện K điều trị.

Gia đình đã nhiều tháng nỗ lực điều trị tại Bệnh viện K, các y bác sĩ cũng đã nỗ lực cứu chữa cho bé, tuy nhiên đến trưa ngày 22/2, khi thấy con gái khó qua khỏi, mẹ bé đã gọi điện đến Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng  và bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con, cứu người khác khi bé qua đời. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã kết nối với Ngân hàng Mắt.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng đang thực hiện lấy giác mạc của bé gái qua đời vì ung thư tại Hà Nội
Anh Nguyễn Hữu Hoàng đang thực hiện lấy giác mạc của bé gái qua đời vì ung thư tại Hà Nội

Là đàn ông nhưng tôi đã không kìm được xúc động khi nghe mẹ bé nói: “Mẹ tự hào về con”

Anh Nguyễn Hữu Hoàng- Giám đốc Ngân hàng Mắt cho hay, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người, anh và các đồng nghiệp của Ngân hàng Mắt và của Trung tâm đã cùng đến nhà bé gái. “Khi chúng tôi đến nhà thì thấy một người mẹ rất trẻ đang ngồi ôm con gái bé nhỏ trên giường. Sau khi chúng tôi giới thiệu, người mẹ đã "trò chuyện" độc thoại với cô con gái nhỏ là “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé". Tôi cảm phục việc làm ý nghĩa của mẹ cháu”- anh Hoàng kể lại.

Qua câu chuyện với mẹ cô bé, anh Hoàng cho biết, người mẹ quyết định hoàn toàn việc hiến tặng mô tạng của cô bé. Mẹ cô bé cũng kể với anh Hoàng và mọi người rằng, trước đó hai mẹ con bé đã nói chuyện với nhau về cái chết là nếu có chuyện gì thì mẹ con mình gặp nhau trên thiên đàng…

Khoảng 4h25 phút ngày 22/2, anh Hoàng và các cộng sự bắt đầu lấy giác mạc của bé. Trực tiếp lấy giác mạc của bé, anh Hoàng đã cố gắng thực hiện các thao tác nhẹ nhàng nhất có thể để tránh cho khuôn mặt thiên thần ấy “không bị đau” và như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành ấy của bé. Quá trình lấy giác mạc này kéo dài khoảng  gần nửa tiếng.

Anh Hoàng kể lại, trong khi anh lấy giác mạc thì có nghe câu chuyện của người thân nói rằng "ông phải tự hào khi cháu làm thế". Và khi anh lấy xong giác mạc của bé, quay lại thì thấy nhiều người trong phòng sụt sịt, có tiếng nấc nghẹn. Lúc đó, anh  Hoàng cũng run lên vì xúc động, nhưng mẹ cháu bé đã nhờ anh khâu hộ luôn vết mở nội khí quản ở cổ bé. Kìm nén cơn xúc động, anh Hoàng đã tiến hành thực hiện một việc mà lần đầu anh làm và không nghĩ là đã “vượt qua chính mình” khi khâu thành công vết thương hở của cháu bé với 7 mũi khâu.

“Lần đầu tiên sau hơn 10 năm làm ở Ngân hàng Mắt, tôi chưa bao giờ thực hiện thao tác khâu vết thương hở của bệnh nhân, thậm chí cả cái kim khâu quần áo còn chưa cầm. Lúc đầu, tôi lóng ngóng nhưng nhớ lại những lần chứng kiến bác sĩ khâu trong phòng mổ thì tôi cố gắng bình tĩnh để khâu”- anh Hoàng kể lại

Và rồi, khi tôi đang thu dọn để ra về thì nghe mẹ của cô bé thì thầm với bé: “Mẹ tự hào về con”. Kể lại chi tiết xúc động đó bỗng người đàn ông trước mắt tôi- giám đốc Ngân hàng Mắt đã từng trực tiếp lấy hàng trăm giác mạc của người hiến ở nhiều địa phương trong cả nước để đem lại ánh sáng cho hàng trăm con người, đôi mắt đã hơi đỏ, giọng đã run run…

Được biết, qua kết quả xét nghiệm cho thấy chất lượng giác mạc của cháu bé tốt. Hiện giác mạc của bé đang được lưu trữ tại Ngân hàng Mắt và đang chờ bác sĩ hội chẩn để tìm bệnh nhân ghép giác mạc phù hợp trong thời gian sớm nhất…

Về quá trình điều trị của bé, TS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, Bệnh viện K cho biết, khi đến viện vào cuối năm ngoái, tình trạng của bé đã nặng, đau đầu nhiều, liệt nửa người, liệt nhiều dây thần kinh sọ, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ) ăn qua xông, thở oxy... Kết quả xét nghiệm cho thấy bé mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm ở trẻ em, điều trị vô cùng khó khăn.

BS Hương đã hội chẩn với các thầy là những chuyên gia đầu ngành bên Mỹ nhưng họ nói vũ khí điều trị duy nhất với trường hợp của cháu là xạ trị. Tuy nhiên do u quá to, gây biến chứng phù não, gây liệt nên rất khó.

Do không thể xạ được, các bác sĩ hàng ngày chăm sóc giảm nhẹ cho bé bằng giảm đau, thở oxy, truyền dịch, truyền đạm, truyền thuốc bổ, nuôi ăn đường tĩnh mạch...

Theo BS Hương, mẹ bé là điều dưỡng tại một Bệnh viện lớn ở Hà Nội, trong suốt thời gian con ốm đã nghỉ hẳn làm để  hàng ngày túc trực bên con.

“Trong 1 tháng điều trị, dù không nói được nhưng bé vẫn tương tác rất tốt, bệnh nặng nhưng rất ngoan. Khi bác sĩ nói “Con ngoan nhé thì bé luôn mỉm cười, gật đầu”, BS Hương kể.

Cũng trong thời gian này, chứng kiến những cháu bé khác buộc phải cưa tay, chân, khoét nhãn cầu do bệnh tật, mẹ bé đi đến quyết định hiến mô tạng của con.

Ngoài bé gái 7 tuổi ở Hà Nội, còn có một trường hợp bé trai ở Ninh Bình mới 6 tuổi bị tai nạn giao thông cũng đã được gia đình hiến tặng giác mạc của bé cho Ngân hàng Mắt. Hay một bé gái 14 tuổi khác cũng được gia đình tình nguyện hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt.

“Tôi đã trực tiếp lấy giác mạc của hơn 400 trường hợp và mặc dù mỗi trường hợp có một cảm xúc khác nhau nhưng với các cháu bé, tôi luôn cố gắng làm nhẹ nhàng nhất các  vì chỉ sợ các bé “bị đau”. Bản thân mình rất ngưỡng mộ bố mẹ các bé vì đã vượt qua nỗi đau mất mát người thân để làm việc ý nghĩa”- anh Hoàng chia sẻ

Vượt qua chính mình trong lần đầu tiên lấy giác mạc của người hiến

Bắt đầu từ năm 2007, Ngân hàng Mắt đã tiếp nhận giác mạc của người hiến, đến nay đã có 421 người dân hiến giác mạc tại 15 tỉnh, thành phố.

Ca nhận giác mạc của người hiến đầu tiên là ngày 5/4/2007, của một người đã 83 tuổi là bà Nguyễn Thị Hoa ở xóm 8A xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

Lúc đó, anh Hoàng và các đồng nghiệp nhận được thông tin vào 6h sáng từ anh Phạm Văn sự (người nhà của một bệnh nhân cần ghép giác mạc mà các bác sĩ đã khuyên là xem nhà lân cận có ai mất thì vận động hiến giác mạc. Anh Sự đã vận động nhiều và đến trường hợp của bà Hoa mới được gia đình đồng ý). Năm đó, quãng đường từ Hà Nội đến xã Cồn Thoi của Ninh Bình tuy chỉ hơn 100km, dù đã đi xe cứu thương nhưng phải mất khoảng 4h đồng hồ, anh Hoàng và các cộng sự mới đến được nhà bà Hoa.

Nhớ lại câu chuyện này, anh Hoàng cho hay, trên đường đi cả xe ai cũng lo lắng và hơi hồi hộp. Đồng nghiệp ở bên cạnh còn hỏi anh Hoàng có tự tin lấy được giác mạc của người hiến không? Lúc đó, bản thân anh cũng hồi hộp, lo nhưng đã tự động viên mình và đồng nghiệp là “em coi như đó là cuộc sát hạch sau 3 tháng học tập ở Ấn Độ”. Về đến đầu làng, xe cứu thương đỗ ở xa và chúng tôi không mặc áo bờ lu, cho hết “đồ nghề” vào bao tải theo lời hướng dẫn của anh Sự để không làm ảnh hưởng đến gia đình.

Lúc đó vào giữa trưa, cả nhà của bà Hoa đóng kín cửa, tắt điện và chỉ có 1 vài người thân chứng kiến. Anh Hoàng bắt tay thực hiện lấy giác mạc, các đồng nghiệp lấy đèn pin soi cho anh Hoàng làm. Khoảng 45 phút anh Hoàng và các cộng sự hoàn thành việc lấy giác mạc của bà Hoa, đây cũng là lúc anh Hoàng và các đồng nghiệp thở phào vì đã vượt qua chính mình trong lần đầu tiên lấy giác mạc của người hiến tại Việt Nam.

Một ca ghép giác mạc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt TW
Một ca ghép giác mạc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt TW

Ngân hàng giác mạc luôn nghèo

Theo anh Hoàng, hiện nay nhận thức của người dân về hiến tặng giác mạc đã có sự thay đổi và nhiều người đã nhận thức được ý nghĩa cao đẹp của hiến giác mạc hơn nên nhiều người dân đã tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình

“ Tuy nhiên, hiện đang có khoảng gần 1.000 người đăng ký ghép giác mạc. Ngoài ra, các bệnh lý như giác mạc hình chóp, sẹo giác mạc, thủng giác mạc...đều được chỉ định ghép giác mạc. Trong khi nguồn cung vẫn không đủ cầu, chính vì thế ngân hàng Mắt của chúng tôi luôn nghèo”- anh Hoàng cho biết

Theo anh Hoàng, đối với người hiến giác mạc có thuận tiện hơn vì ở đâu việc lấy giác mạc cũng có thể thực hiện được. Và việc hiến tặng giác mạc cũng không làm ảnh hưởng đến gương mặt của người hiến. Tối thiểu một đôi giác mạc được hiến thì có thể ghép được 2 người. Chính nhờ nguồn giác mạc được hiến tặng mà nhiều cuộc đời đã được hồi sinh. Ví như trường hợp học sinh ở Hải Dương lúc đầu bị loạn dưỡng vẫn nhìn thấy nhưng khá mờ, do đó cậu đi lần sờ, nhưng sau khi được ghép giác mạc năm 2009, đã thi đỗ đại học Kinh tế quốc dân.

Những ai có thể hiến giác mạc: Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính
 
Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bênh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc
 
Giác mạc hiến tặng phải được lấy trong khoảng 6- 8 giờ sau khi người hiến qua đời.
 
Địa chỉ tư vấn và đăng ký hiến giác mạc: Ngân hàng Mắt- Bệnh viện Mắt Trung ương, 85 Bà Triệu, Hà Nội. Điện thoại 0243.9454799

 

Theo suckhoedoisong