Làm gì để Tết vui mà vẫn khỏe?
Ngày tết, chúng ta thường buông thả bản thân trước những bữa tiệc, những cuộc hẹn bên ngoài xã hội mà quên đi sức khỏe và thời gian bên gia đình. Vậy làm sao để có những ngày tết đúng nghĩa "vừa khỏe, vừa vui"?
PGS.TS Trần Văn Cường, chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, cho biết nhiều người không có được niềm vui trọn vẹn trong những ngày tết vì đã không quan tâm đến sức khỏe thể chất (chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt...) hoặc sức khỏe tinh thần (tình trạng tâm thần và cảm xúc) hoặc cả hai. Khi chúng ta cùng quan tâm đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần thì sẽ có những ngày nghỉ tết vừa vui vừa khỏe, sẵn sàng đón chào một năm mới trong niềm hân hoan và tràn đầy năng lượng.
Ăn uống khoa học, hợp lý
Những bữa tiệc ngày tết thường giàu chất đạm, chất béo nhưng lại ít chất xơ và vitamin, chưa kể đến việc lạm dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... Để bảo đảm cho các thành viên trong gia đình có những bữa ăn khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng trong dịp tết này, BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên khoa tiêu hóa gan mật, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - đưa ra lời khuyên:
Phối hợp thức ăn hợp lý: Ông bà ta có câu ca dao rất hay và rất khoa học mà chúng ta nên áp dụng trong cách ăn uống vào những ngày lễ tết "Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ". Thịt mỡ chứa nhiều chất đạm và chất béo làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa của chúng ta thì dưa hành vừa có chất xơ, lại là sản phẩm lên men của các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa như giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh đầy hơi trướng bụng cũng như ngăn ngừa tiêu chảy.
Khi ăn uống mừng xuân với các bữa ăn thịnh soạn, chúng ta nên uống một ít rượu vang đỏ (khoảng 1-2 ly). Rượu vang vừa kích thích hệ tiêu hóa hoạt động, tiết dịch tiêu hóa nhiều hơn vừa giúp ăn ngon miệng.
Kiểm soát lượng bia uống vào: Rượu bia bản chất là ethanol nên khi uống quá nhiều chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả xét về mặt y học. Ngưỡng tạm chấp nhận trong y học khi uống rượu bia, theo Hiệp hội Nghiên cứu về độc chất và lạm dụng hóa chất Hoa Kỳ, thì trong 1 lần uống chung vui tối đa là 4 đơn vị rượu đối với nam và 2 đơn vị rượu đối với nữ (1 đơn vị rượu chứa khoảng 10-12 gam ethanol tương đương với 1 lon bia hoặc một ly nhỏ khoảng 30ml rượu mạnh như rượu đế) và tối đa trong 1 tuần chỉ được 3 lần như thế.
Ăn uống khoa học, hợp lý để đảm bảo sức khỏe. |
Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Nên tăng cường thêm rau xanh, hoa quả tươi trong bữa ăn ngày tết để cân bằng năng lượng cho cơ thể. Vì rau xanh, hoa quả tươi cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn.
Dinh dưỡng phù hợp với từng người: Người già, trẻ em và những người mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường... nên hết sức lưu ý về chế độ ăn uống, khẩu phần ăn trong những ngày tết. Đối với người già, trẻ em: nhu cầu năng lượng của nhóm đối tượng không cao, vì thế nên dùng các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như rau xanh, cơm gạo, hạt ngũ cốc.
Đối với những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường: tránh uống nước giải khát có quá nhiều đường. Hạn chế ăn bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, giò thủ vì nhiều mỡ béo; dưa muối, dưa nộm vì nhiều muối (mặn). Nếu ăn nhiều những món này sẽ rất có hại cho người mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường như gây xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, ứ muối nước làm quá tải cho hệ tim mạch, rối loạn mỡ máu...
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Với quan niệm "đầu năm no đủ và cả năm sung túc" nên mọi gia đình đều trữ rất nhiều thực phẩm trong ngày tết. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng chọn mua, bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách. Vì thế "viễn cảnh" ngộ độc thực phẩm trong những ngày tết là không hiếm gặp.
BS CKI Đào Thị Yến Thủy (BV quốc tế Hạnh Phúc) cho hay để gia đình bạn khỏe mạnh trong ngày tết, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng. Phòng tránh bằng cách:
Chọn thực phẩm đáng tin cậy: Nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là chọn các thực phẩm đã qua kiểm dịch của Bộ Y tế hoặc ban ngành có liên quan.
Bảo quản đúng cách: Đối với thực phẩm tươi sống như thịt, cá... nên chú ý bảo quản phù hợp tránh hư thối bằng cách phân loại và bọc kín bằng túi nilông rồi đặt vào ngăn đá. Cách bảo quản này có thể giữ thực phẩm được từ 2 đến 5 ngày.Với rau, trái cây nên bỏ ngăn mát. Riêng củ nên để ở ngoài không khí, nơi thoáng mát, tránh môi trường ẩm ướt. Không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm tươi sống để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo.
Thức ăn đã để ra ngoài từ 4-6 giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng vì trong môi trường nóng ẩm như ở Việt Nam, vi khuẩn sinh sản và tiết độc tố rất nhanh. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến món ăn, mang găng tay nếu có thể. Ăn chín, uống sôi. Hạn chế tối đa việc ăn tại các hàng quán ngoài đường. Nếu ăn ở ngoài thì nên chọn những hàng quán có uy tín, được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đừng bỏ quên sức khỏe tinh thần
"Sức khỏe tinh thần hết sức quan trọng, một tinh thần tốt thì mới có những ngày tết khỏe mạnh. Nếu thể chất tốt nhưng tinh thần không được thoải mái thì dễ gây ra buồn rầu, stress, trầm cảm; từ đó ảnh hưởng đến không khí tết của gia đình" - PGS.TS Trần Văn Cường nói. Để sức khỏe tinh thần được tốt trong những ngày nghỉ tết, chúng ta cần dành thời gian bên gia đình. Cuộc sống bận rộn khiến các thành viên trong gia đình hiếm khi có thời gian sum vầy trò chuyện, cùng nhau ăn bữa cơm. Vì thế hình ảnh cha mẹ không hiểu con cái, con cái vô lễ với ba mẹ là điều dễ hiểu.
Du xuân đầu năm. |
Những ngày nghỉ tết chính là dịp để mọi người trong gia đình trao tình cảm cho nhau như cùng nhau dọn dẹp và trang trí nhà cửa hay cùng nhau nấu ăn, cùng nhau đi du lịch... Đó là nét đẹp văn hóa vô cùng quý báu cần được giữ gìn - TS xã hội học Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên. "Trong những ngày lễ, nếu bố mẹ chú trọng đến công việc và các mối quan hệ bên ngoài nhiều hơn tổ ấm gia đình thì quả thật đó là lỗi rất lớn đối với con cái và ngược lại" - TS Thúy bày tỏ.
Cách xử trí khi ngộ độc thức ăn Khi bị ngộ độc thức ăn, điều quan trọng là chúng ta nên bù cho đủ nước và các chất điện giải bằng cách đơn giản là dùng gói thuốc Oresol pha với nước ấm để uống khi khát và uống sau mỗi lần ói nhằm tránh bị mất nước và mất muối. Chú ý các dấu hiệu nặng cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời: vọp bẻ (chuột rút), mỏi tay chân, tê tay chân, sốt cao trên 38,5 độ C, nôn ói nhiều, nôn vọt, đau bụng ngày càng tăng dần, tiêu lỏng trên 6 lần/ngày, tiêu lỏng có lẫn đàm máu... |
Theo Tuổi trẻ