Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

"Chất nhờn ma quái" tiềm ẩn nguy hiểm trước cổng trường học

08:56, 05/10/2018

Thời gian gần đây, không chỉ học sinh mà còn nhiều người lớn cũng say mê món đồ chơi slime (hay còn gọi là chất nhờn ma quái, bột tạo hình).

 

Học sinh say mê

Tan học, 2 cậu bé tại Trường tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) tạt vào một cửa hiệu tạp hóa gần cổng trường mua slime trứng kim cương ma thuật với giá 50.000 đồng/quả.

Đáp ứng nhu cầu của người chơi, slime được rao bán khắp nơi: trước cổng trường học, trên mạng xã hội, trên các trang web.
Đáp ứng nhu cầu của người chơi, slime được rao bán khắp nơi: trước cổng trường học, trên mạng xã hội, trên các trang web.

Trong lúc đợi bố mẹ đến đón, 2 cậu bé truyền tay nhau chơi. Do slime có độ mềm mại như nước nhưng lại dai như cao su nên các cậu bé có thể thỏa sức nhào nặn thành hình những con vật mà các cậu thích. Vừa chơi slime, hai cậu bé này vừa bốc bim bim bỏ vào miệng ăn ngon lành.

Những cậu học sinh say mê slime như hai cậu bé này khá nhiều. Đó là điều dễ hiểu bởi slime có đủ các màu sắc, hình dáng, kích cỡ rất bắt mắt hấp dẫn trẻ. Slime vốn là đồ chơi bắt nguồn từ nước ngoài.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện về những quái vật biết biến hóa muôn hình vạn trạng để thoát khỏi sự truy đuổi của con người, mặc dù có hình dáng quái dị nhưng slime lại rất đáng yêu, chỉ muốn chơi đùa và làm bạn với mọi người chứ không có ý làm hại ai.

Theo quảng cáo, loại đồ chơi này giúp trẻ em và những ai chơi chúng thư giãn, kích thích sự sáng tạo, tạo phản xạ linh hoạt, rèn luyện sự khéo tay…

Chị Ngọc Bích (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hai con chị một đứa học tiểu học, một đứa học cấp II cũng rất ham mê đồ chơi này. Vì bố mẹ đọc thông tin biết được rằng đồ chơi này nếu làm từ những chất liệu không đảm bảo có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nên chị không mua, nhưng chúng lấy tiền tiết kiệm rồi lén lút mua.

“Để con tự mua slime thì cứ chỗ nào rẻ chúng mua, dễ mua phải đồ chơi kém chất lượng. Vì thế, tôi đành chọn những cửa hàng uy tín để mua slime cho con. Đồ tôi mua thấy được quảng cáo là sản xuất tại Nhật, Hàn, không gây kích ứng da trẻ nhưng tôi cũng chẳng biết là thực hư thế nào”.

Thế giới cảnh báo

Trên thế giới không ít trẻ đã gặp hại khi chơi đồ chơi này. Tại Oadby, (Anh), cô bé Layla Fisher (10 tuổi) bị loại đồ chơi này làm cho đôi tay phồng rộp đau đớn và tình trạng nhiễm trùng da ngày càng nặng. Mẹ của cô bé đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ về trò chơi này.

Tại Pháp, Cơ quan An ninh y tế quốc gia Pháp (ANSES) ngày 4/5/2018 đã đưa ra khuyến cáo, slime chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây ra nhiều dạng dị ứng, gây bỏng, gây bệnh chàm (còn gọi là eczema), thậm chí ảnh hưởng tới thần kinh và khả năng sinh sản.

Theo giáo sư Gérard Lasfargues, Giám đốc bộ phận khoa học giám định của ANSES từ năm 2017 đến nay, cơ quan này ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em bị tác dụng phụ khi tiếp xúc với các loại đồ chơi từ chất dẻo và chất nhờn. Một vài chất bảo quản có trong các loại đồ chơi này là chất độc hại có thể gây dị ứng và bỏng da.

Đồ chơi này còn chứa các loại dung môi có khả năng gây ra các vấn đề cho đường hô hấp, thậm chí ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, giáo sư Lasfargues cho biết, chất tạo cho hỗn hợp này tính dẻo và nhờn là axit boric, loại dung dịch mà Liên minh châu Âu (EU) đã xếp vào loại có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người, đặc biệt nguy hiểm nếu tiếp xúc thường xuyên.

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp dị ứng với loại đồ chơi này. Ngày 18/9 vừa qua, 19 học sinh của Trường THCS Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã phải nhập viện nghi bị dị ứng hóa chất từ đồ chơi chất nhờn ma quái được mua trước cổng trường.

Slime được sản xuất từ hồ nước, phấn, bột giặt, dầu gội, muối, đường, kem đánh răng, nước nhỏ mắt… Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu slime được làm từ những thành phần an toàn nêu trên thì sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Tuy nhiên, slime có thể tự làm được dễ dàng nên không thể biết người sản xuất sẽ cho thêm các loại hóa chất gì, có độc hại hay không. Hơn nữa, dù được làm từ thành phần an toàn đến mấy thì slime cũng là thứ không thể ăn được.

Trong khi đó, nhiều hình dạng của đồ chơi này dễ khiến trẻ nhỏ lầm tưởng là kẹo, dễ cho vào mồm. Vì vậy, nếu cho trẻ nhỏ chơi thì người lớn phải giám sát. Dù chất này không dính tay nhưng sau khi chơi xong mọi người cần rửa tay sạch sẽ./.

Các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý một số loại chất gây nghiện mới đã xâm nhập trong giới trẻ Việt Nam. Đó là k2/spice - cỏ Mỹ là hỗn hợp các loại thảo mộc khô, gia vị, các hợp chất tổng hợp hoặc hóa học tương tự như THC (tetrahydrocannabinol).

Trên các mạng xã hội, người bán quảng cáo cỏ Mỹ không chứa chất gây nghiện, bán dưới dạng hợp pháp. Tuy nhiên đây là loại ma túy nguy hiểm có thể gây rối loạn tâm thần, tổn thương thận, tăng thân nhiệt, gây nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong.

Còn lazy cake (bánh lười) nhìn hấp dẫn và ngon mắt như những chiếc bánh brownie vẫn bán trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là loại ma túy mới mà ăn vào khiến cho con người dễ buồn ngủ, thích nằm một chỗ và cười.

Theo VOV