Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chiều cao thanh niên Việt Nam thua xa Hàn Quốc, Nhật Bản

15:11, 15/10/2018

Sau 25 năm, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng 3 cm, hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết chiều cao của thanh niên Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn so Singapore, Nhật, Thái Lan và Malaysia. Thanh niên các nước châu Âu, Mỹ và Australia cao hơn nhiều so với các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. 
 
Từ hơn 10 năm vừa qua, chiều cao của đàn ông Việt tăng 2,1 cm, còn nữ cao thêm một cm. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao người dân tăng chậm, trung bình thêm 1,1 cm mỗi thập kỷ. Suốt thời gian dài trước đó chỉ số chiều cao hầu như không thay đổi. Các số liệu về chiều cao của người Việt lấy từ kết quả Tổng điều tra dân số gần đây nhất, năm 2009. 
 
Theo chuyên gia dinh dưỡng, tăng trưởng chiều cao của người Việt chậm hơn các nước. Ví dụ Nhật Bản có giai đoạn trong vòng 15 năm, chiều cao của thanh thiếu niên tăng thêm 2,8 cm (đối với nam) và 2,5 cm đối với nữ. Hiện, thanh niên Nhật Bản trung bình cao 171 cm với nam và 158 cm với nữ. Ở Hàn Quốc, chiều cao trung bình nam thanh niên là 174 cm, nữ 161 cm. 
 
"Chiều cao của thanh niên Việt Nam còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á", bà Vân nhận định.
 
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em, trong đó trên 50% là do vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, ngoài ra là các yếu tố khác như di truyền, tâm lý, sức khỏe... Vì thế, để cải thiện chiều cao thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
 
"Ưu tiên việc chăm sóc sinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời (chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi) là rất quan trọng. Một bé trai khi ở 3 tuổi bị thấp còi thì khi 18 tuổi nó chỉ đạt chiều cao tối đa là 158 cm. Trong khi, một bé trai phát triển tốt ở 3 tuổi, tức là có chiều cao là 94,5 cm thì khi 18 tuổi, chiều cao của nó sẽ lên đến 170,9 cm", bác sĩ Vân nói.
 
Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết mục tiêu của Việt Nam năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Ngoài ra, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%.
 
Ông Tuyên cũng cho biết thêm, năm 2019, Viện dinh dưỡng sẽ thực hiện tổng điều tra quốc gia mới về dinh dưỡng và nhân trắc học của người Việt Nam. 
Theo VNE