Phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ khi đến trường
Bệnh truyền nhiễm cấp tính như cảm cúm, thủy đậu, tay-chân-miệng... xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết giao mùa. Mặc dù khó có thể bảo vệ con em mình khỏi hoàn toàn các căn bệnh truyền nhiễm nhưng có thể dạy cho trẻ thói quen tốt để tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bệnh cảm cúm, tay-chân-miệng, thủy đậu... chủ yếu do các chủng virut cúm gây ra và trẻ em tuổi đến trường là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Triệu chứng của cảm cúm bao gồm khởi phát đột ngột, sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Một số trẻ còn bị nôn mửa và tiêu chảy. Hầu hết bệnh nhi hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng 1 tuần, nhưng cúm cũng có thể diễn biến trầm trọng và nguy hiểm tính mạng. Thời gian ủ bệnh 2-3 ngày, bệnh lây lan rất nhanh và dễ dàng qua các hạt nhỏ bị người bệnh ho bắn vào không khí và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virut cúm, sau đó làm lây nhiễm qua tiếp xúc đường mũi họng. Khác với cảm thông thường, virut cúm có tính chất dễ biến đổi chủng nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng mới, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3-5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250-500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng virut cúm gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào thời điểm giao mùa và mùa đông xuân.
Hãy dạy cho con em mình những thói quen tốt quan trọng dưới đây để phòng ngừa cúm cũng như các bệnh truyền nhiễm khác bao gồm bệnh thủy đậu, bệnh tay-chân-miệng..., đồng thời cũng để bảo vệ sức khỏe cho những thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Tạo thói quen rửa tay cho trẻ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rửa tay là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả làm giảm rõ rệt khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tuổi học đường. Rửa tay cũng là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, đau mắt đỏ và nhiều bệnh lây nhiễm khác ở trẻ tại trường học. Vì trẻ em có nhiều thời gian sinh hoạt cùng nhau trong một ngày cũng như trong suốt năm học, rửa tay cần trở thành thói quen khiến trẻ tự giác làm hàng ngày. Dạy cho con trẻ rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi hỉ mũi và sau khi đivệ sinh.
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng các bệnh truyền nhiễm. |
Rửa tay đúng cách mới mang lại hiệu quả phòng bệnh. Dạy trẻ rửa đúng cách theo hướng dẫn trong ít nhất 30 giây bằng xà phòng và nước. Chỉ cần sử dụng các loại xà phòng thông thường là đủ, không cần thiết phải dùng các sản phẩm xà phòng kháng khuẩn và đắt tiền. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng xà phòng kháng khuẩn không hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt mầm bệnh so với xà phòng thông thường.
Chỉ cho trẻ cách ho và hắt hơi đúng cách
Virut cúm lan truyền trong không khí, tồn tại trong các giọt nước bọt khi ai đó hắt hơi hoặc ho. Dạy cho trẻ biết cách che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy hoặc ho và hắt hơi vào vị trí bên trong khuỷu tay của mình. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết mọi người đều che mũi miệng bằng chính bàn tay của mình, thật ra đây là một thói quen xấu có thể lây bệnh cho người khác.
Dạy trẻ tránh chạm tay vào mắt của mình
Nếu trẻ chạm tay hoặc bộ phận khác của cơ thể vào người bị cảm cúm và các bệnh lây nhiễm khác và sau đó chạm vào mắt hoặc miệng của mình thì virut cúm có thể xâm nhập cơ thể qua những tiếp xúc như vậy. Một số bệnh lây nhiễm như đau mắt đỏ cũng có thể lây truyền khi trẻ chạm vào một vật đã được tiếp xúc bởi người bị đau mắt đỏ, rồi sau đó chạm tay vào mắt của mình.
Khuyến khích trẻ không dùng chung đồ dùng và cốc với bạn bè
Theo tự nhiên, trẻ em thích chia sẻ đồ dùng, các món đồ chơi yêu thích và cốc với bạn bè. Nhưng nên giải thích cho trẻ việc không nên chia sẻ đồ dùng cho việc ăn uống với bạn bè, đặc biệt là trong mùa lạnh và mùa thường xảy ra dịch cúm. Virut và vi khuẩn dễ dàng truyền qua nước bọt, cần tránh các hình thức chia sẻ có thể lây bệnh.
Ngoài những thói quen lành mạnh nêu trên, hãy đảm bảo cho trẻ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng, giúp giữ cho hệ thống miễn dịch trẻ mạnh khỏe, chống lại cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh lây nhiễm khác. Cần đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, bắt trẻ em đi ngủ đúng giờ có thể là một thách thức đặc biệt cho trẻ em tuổi đi học, nhưng điều này không chỉ quan trọng để giữ trẻ khỏe mạnh mà còn giúp trẻ em tuổi đi học tập trung học tốt khi ở trường và ngăn ngừa các nguy cơ rối loạn hành vi và trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã khuyến cáo nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình. Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ. Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. |
Theo Sức khỏe & Đời sống