1 trong 5 người đàn ông và 1 trong 6 người phụ nữ mắc ung thư
Gánh nặng ung thư tăng lên 18,1 triệu ca mới mắc và 9,6 triệu người chết do ung thư trong năm 2018; là tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội hãy tham gia vào chương trình phòng và chống bệnh ung thư.
Vào ngày 12 tháng 9 năm 2018 tại Geneva, Thụy Sĩ, Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) đã công bố các ước tính mới nhất về gánh nặng ung thư toàn cầu - GLOBOCAN 2018. Một phân tích về những kết quả này, được đăng trên tạp chí Ung thư học lâm sàng, đã nhấn mạnh sự lan rộng của ung thư trên khắp thế giới và sự khác biệt về mức độ và bệnh sử của nó giữa các vùng trên thế giới và trong từng khu vực.
Gánh nặng ung thư đi kèm tăng dân số và tuổi thọ
Ước tính trong năm 2018, gánh nặng ung thư tăng lên 18,1 triệu người mới mắc và 9,6 triệu người chết. Cứ 1 trong 5 người đàn ông và 1 trong 6 người phụ nữ mắc ung thư trong đời và 1 trong 8 người đàn ông và 1 trong 11 người phụ nữ tử vong do căn bệnh này. Trên toàn thế giới, tổng số người còn sống trong vòng 5 năm từ khi được chuẩn đoán ung thư ước tính khoảng 43,8 triệu. Gánh nặng ung thư tăng lên do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm sự gia tăng dân số và tuổi thọ, cũng như nguyên nhân gây bệnh đã thay đổi do sự phát triển về kinh tế và xã hội. Điều này đặc biệt đúng ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, nơi mà có thể quan sát được sự thay đổi từ các bệnh lý ung thư liên quan đến nghèo đói và nhiễm trùng sang các bệnh ung thư có liên quan đến lối sống đặc trưng ở các nước công nghiệp.
Những nỗ lực phòng ngừa ung thư hiệu quả đã kéo giảm tỉ lệ mắc một số ung thư, như ung thư phổi (ở đàn ông Bắc Âu và Bắc Mỹ) và ung thư cổ tử cung (ở hầu hết các khu vực ngoại trừ vùng châu Phi cận Sahara). Tuy nhiên số liệu mới cũng cho thấy gần như tất cả các quốc gia vẫn phải đối mặt với sự gia tăng số ca ung thư mới được chẩn đoán cần điều trị và chăm sóc. Mô hình toàn cầu cho thấy, tính chung cả nam và nữ, gần một nữa số ca mới mắc và hơn một nữa số người chết do ung thư trên toàn cầu trong năm 2018 được ước tính là ở châu Á, một phần vì châu lục này chiếm gần 60% dân số thế giới. Châu Âu chiếm 23,4% số ung thư trên toàn thế giới và 20,3% số ca tử vong, mặc dù dân số ở đây chỉ chiếm 9,0% dân số toàn cầu. Dân số châu Mỹ là khoảng 13,3% dân số thế giới và chiếm 21,0% tỉ lệ mắc và 14,4% tử vong do ung thư.
Điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi. |
Ngược lại với các khu vực khác, tỉ lệ tử vong do ung thư ở châu Á và châu Phi (57,3% và 7,3%) lại cao hơn tỉ lệ mắc (48,4% và 5,8%), do ở những châu lục này có tỷ lệ cao hơn bị những ung thư có tiên lượng xấu và tử vong cao, bên cạnh nguyên nhân ở nhiều quốc gia người dân chưa được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ |
Những loại ung thư chủ yếu trong năm 2018
Ung thư phổi, ung thư vú ở nữ và ung thư đại trực tràng là top 3 ung thư thường gặp nhất về tỉ lệ mắc và top 5 nguyên nhân tử vong do ung thư (ung thư phổi xếp thứ 1, ung thư vú ở nữ thứ 5 và ung thư đại trực tràng thứ 2). Nếu tính chung cả 3 ung thư này, chúng chiếm tới 1 phần 3 số ca ung thư mắc phải và tử vong trên toàn thế giới.
Ung thư phổi và ung thư vú ở nữ là 2 loại ung thư thường gặp nhất về số lượng ca bệnh mới mắc trên toàn cầu. Ung thư đại trực tràng là ung thư thường gặp thứ 3, ung thư tiền liệt tuyến thứ 4 và ung thư dạ dày thứ 5. Ung thư phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, bởi tiên lượng xấu của nó trên toàn thế giới, theo sau là ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, và ung thư gan. Ung thư vú là nguyên nhân tử vong thứ 5 vì tiên lượng khả quan hơn, ít nhất là ở các nước đã phát triển.
Ung thư tại các nước phát triển và đang phát triển
Ở nhiều loại ung thư, tỉ lệ mắc chung ở các nước phát triển thường gấp 2 - 3 lần những nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự khác biệt về tỉ lệ tử vong do ung thư giữa 2 nhóm nước này lại không nhiều, một mặt là do ở các nước đang phát triển thường có tỷ lệ cao bị mốt số ung thư có tiên lượng xấu, mặt khác là do việc chẩn đoán kịp thời và điều trị hiệu quả còn hạn chế ở các nước này.
Ở nam giới, ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến là ung thư thường gặp thứ 1 và 2 ở cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Ở nữ, ung thư vú có tỉ lệ mắc vượt xa các ung thư khác ở cả các nước đang phát triển và các nước đã phát triển, tiếp đến là ung thư đại trực tràng ở các nước đã phát triển và ung thư cổ tử cung ở các nước đang phát triển.
Ung thư toàn cầu theo giới
Ung thư phổi là ung thư thường gặp nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam (tương đương 1/5 toàn bộ tử vong do ung thư ở nam giới). Ở nam, ung thư tiền liệt tuyết và ung thư đại trực tràng là các nguyên nhân thường gặp tiếp theo, trong khi ung thư gan và ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 và 3. Ung thư vú là nguyên nhân thường gặp nhất ở nữ (cứ 4 trường hợp mới mắc ung thư ở nữ giới có 1 ca là ung thư vú), và là ung thư phổ biến nhất ở 154 trong tổng số 185 quốc gia của GLOBOCAN 2018. Ung thư vú cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nữ, tiếp theo là ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân thường gặp và tử vong đứng hàng thứ 4.
Lo ngại về gia tăng ung thư phổi ở nữ
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ ở 28 quốc gia. Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở phụ nữ Bắc Mỹ, Bắc và Tây Âu (đáng chú ý ở Đan Mạch và Hà Lan), Trung Quốc, Úc và New Zealand, với Hungary đứng đầu danh sách. Tiến sĩ Freddie Bray, Trưởng bộ phận giám sát ung thư tại IARC cho biết: “Các biện pháp thực hành tốt nhất được đưa vào Công ước chung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO đã làm giảm hậu quả việc hút thuốc lá chủ động và ngăn chặn khói thuốc lá ở nhiều nước. Tuy nhiên, do sự phổ biến của thuốc lá ở các mức độ khác nhau tùy từng vùng , tùy giới, những kết quả này nhấn mạnh việc cần thiết phải triển khai các chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả và nhắm đúng vào đối tượng ở mọi quốc gia trên thế giới”.
“Những số liệu mới này nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết sự gia tăng đáng báo động về gánh nặng ung thư trên toàn cầu và việc phòng ngừa có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến này”, tiến sĩ Christopher Wild, Giám đốc IARC cho biết. “Các chính sách phòng ngừa và phát hiện sớm hiệu quả phải được thực hiện khẩn trương nhằm hoàn thiện cho việc điều trị, để có thể kiểm soát căn bệnh quái ác này trên toàn thế giới”.