Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bác sĩ mách bạn cách chăm sóc trẻ sơ sinh tháng đầu đời

08:27, 08/11/2018

Để giúp các mẹ có thêm kiến thức chăm sóc con những ngày đầu còn bỡ ngỡ, bác sĩ Nguyễn Quỳnh Hương – khoa sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Hà Nội có những lời khuyên hữu ích dành cho các mẹ.

 

Cách bế trẻ

Trẻ mới đẻ, cơ cổ còn yếu, chưa đỡ nổi đầu thì phải bế trẻ cho thẳng đầu, lưng, mông, không để chân tay của trẻ buông thõng xuống. Khi bế trẻ lên hoặc đặt xuống phải làm từ từ, nhẹ nhàng, đừng để trẻ có cảm giác bị thay đổi đột ngột khiến trẻ hoảng hốt, sợ hãi.

Chăm sóc rốn em bé cần lưu ý như  sau:

Khi rốn bé khô và rụng đi không đồng nghĩa với việc rốn đã lành, vì vậy bạn vẫn phải vệ sinh rốn cho bé hằng ngày.

Cách vệ sinh rốn đã rụng là bạn phải dùng 2 ngón tay của mình mở rộng phần chân rốn ra và vệ sinh sạch sẽ theo chiều từ trong ra ngoài.

Dung dịch để rửa rốn là dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) và dụng cụ tăm bông vô khuẩn.

Cần lưu ý khi mình mở rộng phần chân rốn ra để vệ sinh cũng là cách mình nhìn xem rốn em bé mình có gì lạ hay không, có chồi hay không, với những trường hợp rốn bé có chồi phải đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và thực hiện thuốc nếu cần, chồi càng to thì rốn sẽ hay rỉ dịch và không khô được.

Rốn bất thường là rốn rỉ dịch nhiều và lâu ngày, có mùi hôi, chân rốn đỏ.... Bạn có thể cho bé đến cơ sở y tế gần nhất để yên tâm nhé nếu trường hợp bạn vệ sinh đúng cách mà vẫn không thấy cải thiện.

Các y bác sĩ khoa sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Hà Nội kiểm tra sức khỏe cho bé.
Các y bác sĩ khoa sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Hà Nội kiểm tra sức khỏe cho bé.

Đối với trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi thường mắc một số bệnh lí vàng da, nhiếm khuẩn, xuất huyết não – màng não… Việc phát hiện và xử lí kịp thời các bệnh lí trên cũng như theo dõi sự phát triển thể lực (cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng ngực) và phát triển tinh thần rất cần thiết. Bố mẹ nên đưa trẻ đến để bác sĩ khám, phát hiện, xử lí kịp thời cũng như tư vấn các vấn đề về dinh dưỡng và các vấn đề khác, bổ sung kịp thời khi trẻ bị thiếu hụt.

Các mẹ cần lưu tâm đến:

– Những dấu hiệu bất thường của trẻ.

– Luôn đảm bảo nhiệt độ cho trẻ ấm, tránh gió lùa. Nếu trẻ quá nóng, ra mồ hôi cần thấm khô mồ hôi, mặc áo ngược, chất vải không pha nilon.

– Đảm bảo vệ sinh cho trẻ: ca, cốc, chai sữa, thìa, dụng cụ cho trẻ cần được rửa sạch, úp khô. Tã áo, chăn phơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng gió, có nắng. Giường chiếu sạch, vệ sinh thường xuyên.

Đối với những trẻ đẻ non cân nặng thấp cần khám định kỳ cho bé.

Khi bé 1 tháng tuổi, cần khám thể chất, thính lực, thị lực.

Khi bé 3 tháng tuổi cần khám thể chất, tinh thần – vận động, dinh dưỡng.

Khi 6 tháng tuổi, khám thể chất, tinh thần – vận động, dinh dưỡng.

Những dấu hiệu bất thường đe doạ đến tính mạng trẻ sơ sinh có thể gây tử vong nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.

Dưới đây là những điều cần quan tâm và được phát hiện sớm.

– Khó thở, thở nhanh > 60lần/phút, thở chậm <40lần/phút, cánh mũi phập phồng, khò khè, lồng ngực co rút.

– Bỏ bú, bú ít.

– Ngủ li bì, khó đánh thức.

– Sốt (>38◦C) hoặc hạ nhiệt độ <36◦C.

Mắt sưng hoặc có dử.

– Miệng nhiều mảng trắng.

– Da vàng sớm trong 24 giờ sau sinh hoặc kéo dài > 10 ngày.

– Co giật hoặc co cứng.

– Bụng trướng to.

–  Phân nhiều nước, nhiều lần hơn bình thường.

– Không đi tiểu tiện hoặc đại tiện  sau 24 giờ từ khi sinh

Theo Sức khoẻ&Đời sống