Hết ung thư máu sau một liều điều trị duy nhất
Đây là liệu pháp đột phá khi sử dụng các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại các tế bào ung thư trong một liều điều trị duy nhất.
Cơ quan chức năng Australia vừa phê duyệt, đưa vào sử dụng phương pháp điều trị ung thư máu mới, nhằm đưa nước này trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Tiếp sau Mỹ và một số nước châu Âu, Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Australia vừa phê duyệt, cho phép sử dụng liệu pháp miễn dịch, còn được gọi là CAR-T để giúp trẻ em chiến đấu với bệnh bạch cầu và người lớn chiến đấu với một loại ung thư hạch ác tính. Liệu pháp này có tên thương mại là Kymriah do công ty dược phẩm Novartis sáng chế ra.
Đây được đánh giá là liệu pháp mang tính đột phá khi sử dụng các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại các tế bào ung thư chỉ trong một liều điều trị duy nhất bằng cách tiêm vào cơ thể người bệnh.
Liệu pháp đột phá khi sử dụng các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại các tế bào ung thư. Ảnh: Communitynews |
Liệu pháp này có ưu điểm là chỉ dùng một liều duy nhất mà không phải điều trị nhiều lần như hóa trị và xạ trị. Hơn thế nữa, kết quả thử nghiệm lâm sàng mà hãng Novartis tiến hành cho đến nay đối với cả trẻ em và người lớn đều có kết quả tích cực. Theo đó, 80% trẻ em không có dấu hiệu ung thư sau 3 tháng điều trị trong khi 45% người trưởng thành có kết quả tương tự.
Không chỉ là lời quảng cáo của hãng Novartis, các bác sỹ chuyên chữa ung thư cũng phải ngạc nhiên về kết quả của liệu pháp này. Bác sỹ Michael Dickinson thuộc Trung tâm điều trị ung thư Peter MacCallum khẳng định, liệu pháp này mang tính “đột phá” khi nó đã tạo ra sự “tiến triển” trong quá trình điều trị. Đồng thời, mức độ tác động và thời gian sử dụng liệu pháp cũng là “điều tuyệt vời”.
Mặc dù có nhiều ưu thế về hiệu quả chữa bệnh song liệu pháp này cũng đang có những khó khăn. Thứ nhất đó là về giá cả. Theo ước tính, để điều trị liệu pháp này, bệnh nhân có thể phải chi tới 600.000 AUD. Thứ hai đó là địa điểm điều trị. Hiện nay trên thế giới chỉ có một số cơ sở có thể điều trị ung thư theo liệu pháp này, trong đó có các trung tâm tại Mỹ, một số nước Châu Âu và 3 trung tâm tại Australia.
Hãng Novartis cho biết họ đang nỗ lực để làm giảm giá thành của liệu pháp này đồng thời hy vọng, sau khi Australia phê duyệt thì sẽ có thêm nhiều quốc gia cho phép sử dụng phương pháp này để ngày càng giúp được nhiều người bệnh có thêm cơ hội điều trị và kéo dài cuộc sống./.
Theo VOV