Những tư thế yoga siêu dễ giúp tăng cường miễn dịch mùa đông
Những tư thế yoga này sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng, tăng cường miễn dịch nhằm phòng tránh bệnh tật xảy đến trong mùa mới se lạnh.
Thường xuyên mắc cảm lạnh hoặc sốt là vấn đề đáng lo ngại, nhất là vào giai đoạn trời chuyển sang se lạnh như hiện nay. Cơ thể suy nhược, sức đề kháng kém ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bạn. Không phải ai cũng muốn nằm trên giường cả ngày, tránh làm những công việc nặng nhọc chỉ để bảo vệ cơ thể khỏi những vấn đề sức khỏe thông thường. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, tăng cường hệ miễn dịch là giải pháp tuyệt vời nhất.
Hệ miễn dịch là một mạng lưới tế bào, mô và các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus và vi sinh vật tấn công. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Nhờ khả năng phát hiện và liên kết chặt chẽ, hệ miễn dịch hoạt động nhằm loại bỏ sự hiện diện của các tác nhân gây hại trong cơ thể. Đôi khi, cơ chế tự bảo vệ này gặp trục trặc vì nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng, lối sống thiếu lành mạnh và thói quen ăn uống mất cân bằng.
Tuy nhiên, mọi người có thể hỗ trợ và tăng cường hệ miễn dịch bằng việc tập luyện yoga.
Bhavesh Shah, giám đốc y khoa tại Trung tâm Y tế Long Beach, Californila cho biết, yoga là phương pháp tập luyện nâng cao sức khỏe toàn diện hiệu quả và giúp giảm căng thẳng khiến hệ miễn dịch suy yếu. Tập chúng mỗi ngày sẽ dễ dàng ngăn ngừa bệnh tật tấn công, đồng thời góp phần cải thiện sức chịu đựng của cơ thể. Dưới đây là một số tư thế yoga tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả:
Tư thế ngọn núi (Tadasana)
Tadasana là một trong những tư thế cơ bản nhất nên nó còn được ví như "mẹ của các tư thế yoga". Tư thế thuộc trường phái Hatha yoga này có thể được thực hiện ở mọi thời điểm trong ngày, ít nhất là 10-20 giây hoặc năm lần hít thở sâu.
Tư thế ngọn núi giúp bạn lấy lại sự cân bằng và đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Tư thế này tập trung vào quá trình hít thở, từ đó tăng cường tâm lý, giảm căng thẳng và cải thiện tuần hoàn máu. Tadasana có khả năng giữ đầu óc tỉnh táo, tập trung, thúc đẩy năng lượng và điều hòa tâm trí.
Tư thế cây xanh (Vrikshasana)
Vrikshasana còn được gọi là tư thế cây xanh vì nó có khả năng cân bằng cơ thể thông qua thế đứng có hình cái cây. Đây là tư thế phù hợp nhất cho người mới làm quen với trường phái Hatha yoga, những tư thế cần được thực hiện vào buổi sáng khi bụng rỗng và tâm trí thoải mái. Nếu không có điều kiện, mọi người vẫn có thể tập tư thế cây xanh vào giữa buổi chiều, hoặc trước bữa tối để thư giãn.
Tư thế cây xanh tăng cường độ chắc khỏe của xương cột sống và hỗ trợ hoạt động của các dây thần kinh cơ bắp. Tư thế này cải thiện tâm lý, giữ cho bạn luôn ở trạng thái bình tĩnh. Nhờ khả năng tiếp thêm sinh lực cho toàn bộ cơ thể, tư thế yoga này tăng cường sức chịu đựng, sự tập trung, tự tin và giảm gánh nặng tác động lên hệ thống thần kinh.
Tư thế ngón chân cái (Padangusthasana)
Padangusthasana là tư thế yoga giúp tăng cường độ chắc khỏe của các cơ ở chân, cột sống và cổ. Thực hiện tư thế Hatha yoga cơ bản này ít nhất 30 giây vào sáng sớm, khi bụng rỗng để đạt được hiệu quả cao nhất. Nếu không thể tập vào thời điểm này, bạn có thể thực hiện vào buổi tối, sau bữa ăn khoảng 2-3 giờ.
Tư thế ngón chân cái giảm căng thẳng và lo âu. Hệ thống tiêu hóa của bạn cũng sẽ được kích thích và cải thiện nếu tập thường xuyên. Tư thế này còn góp phần thúc đẩy máu lưu thông tới các bộ phận khác như gan và thận, từ đó tăng cường năng lượng. Nhờ khả năng làm dịu và thư giãn hệ thống thần kinh trung ương, padangusthasana là tư thế ngăn ngừa tình trạng mất ngủ vào ban đêm vô cùng hiệu quả.
Tư thế tam giác mở rộng (Trikonasana)
Giống như tên gọi, khi thực hiện tư thế này, người tập phải thực hiện những động tác nhằm đưa cơ thể tạo thành một hình tam giác. Đây là một trong những tư thế yoga tốt nhất cho hệ miễn dịch. Người tập nên thực hiện tư thế này vào buổi sáng, duy trì tư thế trong 30 giây hoặc từ 5-10 hơi thở sâu để tiếp thêm sinh lực cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tập 2-3 giờ trước hoặc sau bữa ăn.
Trikonasana có thể cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, giảm huyết áp, ngăn ngừa stress, làm dịu tâm trạng, tăng cường sự tập trung và khả năng cân bằng.
Tư thế cái ghế (Utkatasana)
Khi thực hiện tư thế này, bạn sẽ có cảm tưởng như đang ngồi trên một chiếc ghế tưởng tượng. Đây là tư thế có thể gây một vài khó khăn cho người mới tập vì họ không được dùng dụng cụ hỗ trợ và chân phải hứng chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Để đem lại hiệu quả cao nhất, hãy duy trì tư thế này ít nhất 30-60 giây hoặc 5-10 nhịp thở sâu.
Utkatasana có thể cải thiện sức mạnh, nâng cao năng lượng và khả năng cân bằng. Tư thế này còn kích thích hoạt động của tim và massage các cơ quan bụng. Bạn hãy thực hiện tư thế này thường xuyên để có một cơ thể khỏe mạnh.
Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)
Bhujangasana là một trong chuỗi bài tập yoga Suryanamaskar chào mặt trời. Để đạt hiệu quả cao, bạn cần tập tư thế cơ bản này trong 15-30 giây hoặc 5-10 nhịp thở.
Tư thế rắn hổ mang có thể kích thích hệ thống tiêu hóa và khả năng lưu thông máu. Đồng thời, bạn có thể giảm căng thẳng, tăng cường sự tính linh hoạt của xương cột sống nếu thực hiện tư thế này thường xuyên.
Tư thế con cá (Matsyasana)
Khi thực hiện tư thế Matsyasana, cơ thể của bạn sẽ uốn cong gần giống hình con cá. Tương tự như các tư thế khác, hãy thực hiện tư thế yoga này trong 15-30 giây hoặc 5-6 lần hít thở.
Matsyasana kích thích cốt lõi, hệ tiêu hóa, tuyến cận giáp. Chúng có thể làm giảm căng thẳng ở vai và cổ. Hiển nhiên, thực hiện tư thế này thường xuyên sẽ giúp bạn ngăn ngừa lo âu, căng thẳng và mệt mỏi tấn công.
Theo Khoeplus