Con thiếu ngủ trong ngày Tết nguy hiểm thế nào?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời.
Ngoài ra, trẻ thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc sẽ tiết ra những chất hóa học gây mất cân bằng như Cortisol, progesterone,... Chúng làm trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Những trẻ thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ phát triển trí não chậm hơn so với các trẻ khác.
Kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày cùng nhiều hoạt động diễn ra liên tục có thể ảnh hưởng đến giấc của trẻ. Điều này khiến không ít các mẹ băn khoăn. Để giúp trẻ có được những giấc ngủ ngon trong ngày Tết, cha mẹ cần lưu ý:
Đảm bảo ngủ đủ thời gian
Với trẻ sơ sinh đến 5 tuổi, giấc ngủ rất quan trọng. Sau một ngày bận rộn đi chúc Tết họ hàng, đi chơi, không chỉ bé mà người lớn cũng rất mệt mỏi. Việc cho bé đi ngủ đúng giờ là cần thiết. Ngủ muộn có thể khiến trẻ không sâu giấc, tỉnh dậy ban đêm, thức dậy muộn vào sáng hôm sau, mệt mỏi, cáu kỉnh.
Vì vậy, trong ngày, cha mẹ cần tranh thủ thời gian để sắp xếp những giấc ngủ hoặc khoảng nghỉ ngơi ngắn cho bé.
Trẻ 6-15 tuổi cũng nên duy trì thói quen ngủ gần giống với thường ngày, không nên cắt giảm quá nhiều thời gian ngủ. Cha mẹ cần tính toán thời gian, linh động cho con được ngủ đủ giấc nhất có thể. Bạn sẽ dễ dàng đánh thức trẻ vào sáng hôm sau, bắt đầu ngày mới đi chơi Tết vui vẻ, tràn đầy năng lượng.
Cho bé cảm thấy an toàn như ở nhà
Nếu Tết này gia đình có kế hoạch đi chơi xa hay về quê thăm hỏi người thân, bạn có thể chuẩn bị cho bé những vật dụng quen thuộc như cuốn sách yêu thích, đồ chơi, gối ôm,... con thường dùng khi ngủ. Việc làm này giúp trẻ cảm thấy thân thuộc, an toàn như ở nhà, dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Hạn chế cho con ngủ khi đang di chuyển
Vào những ngày lễ Tết, việc phải di chuyển liên tục và vận động mạnh làm bé nhanh mệt và dễ ngủ quên trên xe. Tuy nhiên, ngủ trong tình trạng không ổn định, chuyển động và lắc lư nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé, khiến bé ngủ không sâu và khó ngủ lại khi đã tỉnh dậy.
Thay vì để con ngủ trên xe, cha mẹ nên cố gắng nói chuyện, chơi với con để không thiếp đi hoặc để bé ngủ đủ giấc trước khi đi chơi.
Không để trẻ quá no hoặc đói trước khi ngủ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cho trẻ ăn quá no, sát giờ đi ngủ, thức ăn không kịp tiêu hóa cùng lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ gây ứ, trướng dạ dày, trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản. Tình trạng dịch vị ở dạ dày trào lên thực quản thường xuyên, lâu ngày có thể gây viêm thực quản dẫn đến ho.
Những trẻ bị thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản thường bị ho về đêm, thậm chí cả ban ngày khi nằm nghỉ, chơi, ngủ (còn gọi là chứng ho ngang - ho khi ngủ, nghỉ, trong tư thế nằm ngang). Thậm chí, có trẻ còn bị trào ngược lên mũi gây viêm mũi kéo dài, rất khó chịu và nguy hiểm cho trẻ.
Để trẻ đói trước khi ngủ cũng khiến con cảm thấy khó ngủ, cáu gắt, thức giấc giữa đêm. Vì vậy, bạn không nên để trẻ quá no hoặc đói trước khi ngủ. Sau khi cho con ăn hay uống, cha mẹ nên để trẻ thức, hoạt động ít nhất 2 giờ để thức ăn kịp tiêu hóa hết trong dạ dày. Trường hợp trẻ ăn trứng, thịt, các đồ uống như sữa, nước ngọt, cần có thời gian lâu hơn, tránh hiện tượng trào ngược gây ho.
Theo Zing