Tiêm chủng mở rộng năm 2019 của Bộ Y tế có những thay đổi gì?
Bộ Y tế vừa ra thông tư về việc tiêm chủng vắc xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.
Theo đó, tiêm chủng mở rộng 2019 có một số thay đổi đáng chú ý sau:
Thay thế vắc xin Quinvaxem bằng ComBe Five
Từ năm 2019 Việt Nam có vắc xin thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng 2019. Vắc xin 5 trong 1 được lựa chọn để thay thế vắc-xin Quinvaxem có tên thương mại là vắc xin ComBe Five.
Vắc xin Combe Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 400 triệu liều.
Loại vắc xin này có thành phần và lịch tiêm chủng tương tự với vắc xin Quinvaxem phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT – VGB – Hib).
Lịch tiêm vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
Triển khai vắc xin bại liệt IPV theo đường tiêm
Từ tháng 6/2019, trẻ sẽ được tiêm một mũi vắc-xin bại liệt tiêm IPV lúc 5 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng. Vắc xin bại liệt IPV là vaccine bất hoạt, chứa các tuýp virut bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm.
Tiêm 1 mũi vắc xin IPV có chứa cả 3 tuýp kháng nguyên bại liệt tuýp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch đối với tuýp 1 và tuýp 3; đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với tuýp 2 cho trẻ sử dụng 3 liều bOPV.
Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin của hãng Sanofi, do Pháp sản xuất. Vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF).
Vắc xin này đã được đăng ký lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982 và sử dụng tại 111 quốc gia, với 540 triệu liều. Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vắc xin bại liệt tiêm IPV từ năm 2015.
Sử dụng vắc xin sởi – rubela do Việt Nam tự sản xuất
Trong năm 2019, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia sử dụng vắc xin sởi-rubella (MR) do Việt Nam sản xuất tại các điểm tiêm chủng mở rộng toàn quốc, cho trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi.
Theo lịch tiêm chủng mở rộng, mũi sởi thứ nhất sẽ được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Vắc xin do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Văcxin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) thuộc Bộ Y tế sản xuất. Đây là vắc xin sởi-rubella đầu tiên được sản xuất thành công tại Việt Nam trong dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản hỗ trợ. Dự án được Polyvac triển khai từ tháng 5/2013 và tiến hành trong gần 5 năm với ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật.
Được biết, Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công văcxin sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo Đời sống Plus