Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Những người có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày

10:11, 18/05/2019
Theo TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K, có nhiều thói quen ăn uống của người dân khiến nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao như thói quen ăn nhiều đồ muối, hun khói, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít rau, những người béo phì có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn người khác.


Nguyên nhân khiến dạ dày dễ bị bệnh?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, dạ dày là túi chứa thức ăn lớn nhất trong cơ thể, có cấu tạo hình chữ J, nối tiếp với thực quản. Dạ dày có chức năng nhào trộn, chứa đựng thức ăn, co bóp làm thức ăn nhỏ ra, đồng thời bài tiết dịch vị  giúp quá trình hấp thu thức ăn tốt hơn.

Nếu không có dạ dày, thức ăn đi thẳng xuống ruột và không được tiêu hóa, tức là không có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, điều này sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

PGS Hồng giải thích, nguyên nhân khiến nhiều người bị bệnh dạ dày là do dạ dày nối thẳng với thực quản, là cơ quan đầu tiên trong cơ thể tiếp xúc với thức ăn từ bên ngoài đưa vào. Đây  là cửa ngõ khiến vi khuẩn, virus, độc tố….  từ các loại thực phẩm xâm nhập vào cơ thể.  Dạ dày  phải chịu đựng tất cả những tác nhân gây hại trên nên số người mắc bệnh dạ dày nói chung ngày càng tăng cao.

TS. Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K
TS. Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K

Không riêng bệnh lý viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày cũng đang ở mức cảnh báo cao. TS. Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K cho biết, theo nghiên cứu, năm 2018, thế giới ghi nhận có khoảng trên 1,3 triệu ca ung thư dạ dày mới mắc, số người tử vong vì ung thư dạ dày là trên 783.000 trường hợp. Riêng tại Việt Nam, ung thư dạ dày xếp thứ 3 trong các loại bệnh ung thư, sau ung thư phổi và gan. Theo con số thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 17.000 ca ung thư dạ dày mới mắc, số người tử vong  khoảng 15.000 ca. Tại BV K, mỗi năm có khoảng trên 2000 ca phẫu thuật ung thư dạ dày.

Theo TS Phạm Văn Bình, có nhiều thói quen ăn uống của người dân khiến nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, người có thói quen ăn nhiều đồ muối, hun khói, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít rau, những người béo phì có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.

.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.
.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.

Đồng tình với ý kiến trên,  PGS Hồng  bổ sung thêm một số nguyên nhân gây bệnh dạ dày như dùng thuốc ( như thuốc chống viêm giảm đau gây viêm loét dạ dày, thuốc corticoid, thuốc chống đông). Một số thói quen trong sinh hoạt cũng là nguyên nhân gây bệnh ở dạ dày như  sử dụng rượu bia, thuốc lá …. Các bệnh lý dạ dày có tính di truyền, PGS Hồng giải thích, nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày, hoặc ung thư dạ dày,  thì các thành viên còn lại trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, hoặc ung thư dạ dày cao hơn người khác.

Trong số các nguyên nhân gây bệnh dạ dày, thì nguyên nhân  do vi khuẩn HP chiếm một tỷ lệ tương đối cao.  “Nếu cho rằng ung thư dạ dày chỉ do khuẩn HP gây nên là hoàn toàn không đúng, vì còn nhiều yếu tố khác tham gia vào, như  xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý dạ dày từ trước như viêm teo dạ dày  nặng (có thể lỗi ăn uống, sử dụng thuốc).  Quan điểm  vi khuẩn HP là thủ phạm  gây ung thư dạ dày là một quan niệm không đúng”, PGS Hồng khẳng định .

Dấu hiệu bệnh dạ dày không nên bỏ qua

Với bệnh lý viêm loét dạ dày thường có triệu chứng đầy bụng, đau bụng theo kiểu đau quặn hay đau có tính chất bỏng rát, ậm ạch rất khó chịu, nôn buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, ăn không ngon miệng và những triệu chứng này lặp đi lặp lại có tính chất chu kỳ. Đôi khi các triệu chứng của viêm dạ dày thầm lặng, dai dẳng hơn.

TS Phạm Văn Bình cho hay, để phân biệt viêm loét dạ dày với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm rất khó. Thông thường cũng là đau mơ hồ, nóng rát vùng thượng vị, chán ăn, đầy, chậm tiêu, khi tổ chức ung thư đủ lớn sẽ gây ra triệu chứng rõ rệt như đau tăng hơn, buồn nôn, nôn do khối u chèn ép vào vùng hang môn vị, thậm chí có thể do loét chảy máu, xuất huyết tiêu hóa cao. Khi bệnh nhân có thêm triệu chứng toàn thân như sút cân, mệt mỏi là triệu chứng tiến triển của ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm, có thể điều trị khỏi
Theo các báo cáo khoa học, nhóm tuổi mắc ung thư dạ dày cao nhất là trên 50 tuổi, sau đó đến nhóm tuổi từ 60-70 tuổi. Đáng chú ý, vài năm trở lại đây,  đã bắt đầu xuất hiện các ca ung thư dạ dày khi bệnh nhân còn rất trẻ. TS. Phạm Văn Bình cho biết, mới đây ông điều trị cho một ca ung thư dạ dày ở bệnh nhân mới 13 tuổi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhiều người cho rằng, ung thư mà động dao kéo khiến bệnh tiến triển nhanh, nhiều người còn từ chối điều trị khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư dạ dày.  Chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân đến khám tại BV K, TS Bình cho biết, sau khi được phát hiện mắc K dạ dày ở giai đoạn rất sớm, bệnh nhân  nhất quyết đòi về nhà dùng thuốc nam. Một thời gian sau bệnh trở nặng bệnh nhân quay lại điều trị thì đã muộn.TS Bình cảnh báo, dùng thuốc nam hoặc các loại thuốc không rõ nguồn gốc trong điều trị ung thư rất nguy hiểm, bệnh nhân vừa bỏ lỡ cơ hội được điều trị sớm, vừa gặp phải những biến chứng do thuốc nam gây ra như suy thận, suy gan….

Theo TS Bình, có nghiên cứu chỉ ra rằng trong hàng triệu ca mắc ung thư trên thế giới mỗi năm thì có 1/3 trong số đó có thể  phòng ngừa,  1/3 sô trường hợp ung thư  tiếp theo có thể điều trị,  nếu được chẩn đoán sớm. Với ung thư dạ dày, nếu  phát hiện sớm,  điều trị triệt căn thì có thể khỏi hoàn toàn.  Chỉ có 1/3 số trường hợp ung thư còn lại khiến bác sĩ và bệnh nhân phải theo đuổi điều trị rất vất vả.

Cách để phòng mắc bệnh dạ dày: -Có thói quen sinh hoạt, vận động hợp lý, khoa học. - Bỏ thuốc lá, rượu bia. -Có chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học. -Sử dụng thuốc hợp lý. -Giảm cân nặng, không để thừa cân, béo phì. - Tầm soát bệnh dạ dày nếu trong gia đình có người mắc bệnh.

Cách đúng phòng mắc bệnh dạ dày:

-Có thói quen sinh hoạt, vận động hợp lý, khoa học.

- Bỏ thuốc lá, rượu bia.

-Có chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học.

-Sử dụng thuốc hợp lý.

-Giảm cân nặng, không để thừa cân, béo phì.

- Tầm soát bệnh dạ dày nếu trong gia đình có người mắc bệnh.

Theo Sức khỏe&Đời sống