Tính đến sáng 13/5, thế giới đã ghi nhận gần 4.340.000 ca mắc Covid-19, trong đó, hơn 292.000 bệnh nhân đã tử vong. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới sau khi có thêm gần 21.000 ca mắc mới và 1.489 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.406.807 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 83.284 người. Tại Anh, số ca tử vong thực tế vì Covid-19 đã vượt mốc 40.000 người. Trong khi đó, Nga vượt Anh trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha.
27 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng |
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Trong 27 ngày qua, trên cả nước không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. 17 trường hợp mắc Covid-19 mới nhất được công bố trong cùng ngày 7/5 đều là các ca bệnh xâm nhập và được cách ly, kiểm soát ngay khi nhập cảnh.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia y tế quốc tế tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 để đánh giá tình hình hiện nay.
Bên cạnh lời chúc mừng Việt Nam làm tốt công tác ứng phó dịch Covid-19, đại diện WHO TS. Kidong Park vẫn cảnh báo toàn cầu đang ứng phó vô cùng vất vả với đại dịch Covid-19. Do vậy, nguy cơ vẫn hiện hữu và những ca bệnh tiếp theo trong cộng đồng là vẫn có thể.
“Việt Nam vẫn phải đặt trong tâm thế cảnh giác và theo dõi diễn biến dịch chặt chẽ. Trong tình trạng “bình thường mới” chúng ta phải chuẩn bị về tâm thế, tâm lý, cũng như cách suy nghĩ và hành động để phù hợp với bối cảnh chung sống với dịch bệnh. Hệ thống y tế cần được đầu tư, công tác chuẩn bị phải luôn sẵn sàng ứng phó nếu có ca bệnh mới hay làn sóng bùng phát dịch mới”, ông Kidong Park nhấn mạnh.
Đại diện WHO tại Việt Nam làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. |
Không chỉ các chuyên gia của WHO, giới chuyên gia trong nước cũng nhất trí đánh giá dịch Covid-19 sẽ kéo dài từ một năm rưỡi đến 2 năm tới. Nhất là khi câu chuyện về vaccine hay thuốc đặc trị có thể sẽ mất 2 năm tới mới có câu trả lời.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, nếu có vaccine thì chúng ta mới có thể rút ngắn thời gian dịch lưu hành.
“Do vậy, người dân lúc này phải có trách nhiệm, phải thực hiện các khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh trong tình hình bình thường mới - vừa chống dịch, vừa đảm bảo an toàn, vừa làm kinh tế và các hoạt động dịch vụ. Không riêng Covid-19, người dân vẫn cần duy trì phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, nhất là các bệnh đã có vaccine. WHO đã cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch nếu người dân bỏ qua các mũi vaccine. Trong bối hiện nay, chúng ta phải đảm bảo tiêm chủng trong điều kiện an toàn với dịch Covid-19”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Bên cạnh đó, WHO đánh giá cao Việt Nam đã ứng phó nhanh nhạy và sáng tạo trước dịch Covid-19, đồng thời nhanh áp dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch và bắt tay vào nghiên cứu vaccine.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định, Việt Nam phải “bao đê cho chặt”, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin