Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh nâng mô hình điều trị Covid-19 lên 5 tầng

12:32, 23/07/2021
Sở Y tế TP HCM thay đổi mô hình "tháp 4 tầng" điều trị Covid-19 lên 5 tầng, với tầng mới là các khu cách ly tạm thời F0 tại quận huyện trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Mô hình 5 tầng được Sở Y tế TP HCM công bố ngày 22/7, nhằm điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong được dự báo tiếp tục tăng. Tính đến hết ngày 21/7, thành phố ghi nhận hơn 35.000 trường hợp F0 với 2.106 người bệnh cần hỗ trợ hô hấp và 382 ca tử vong. Đến sáng 23/7, số ca nhiễm đã được công bố tại TP HCM hơn 48.000.

Như vậy, theo Sở Y tế, mô hình điều trị 5 tầng, thu dung F0 như sau:

 

Tầng 1 là tầng mới, với các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức. Theo đó, các F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì, được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện.

Các khu cách ly tập trung F0 này vừa được chính quyền TP HCM yêu cầu triển khai từ ngày 21/7. F0 không triệu chứng lâm sàng sẽ cách ly 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với tải lượng virus thấp, giá trị CT ≥ 30. Trường hợp dương tính có CT<30 sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi hai ngày, khi kết quả này âm tính cho phép người bệnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành y tế xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR có giá trị CT ≥ 30 và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế.

Các cơ sở tầng 1 có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh Covid-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định. Ngoài ra, nơi này chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp Covid-19 có triệu chứng nhẹ, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Những nơi này sẽ được bổ sung các trang thiết bị cơ bản như bình oxy, dụng cụ để thở (bình làm ẩm, máy tạo oxy...), máy đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2), máy thở đơn giản, dụng cụ cấp cứu cơ bản và một số thuốc điều trị cơ bản như hạ sốt, polyvitamin, thuốc kháng viêm dạng uống, thuốc kháng đông sử dụng trước khi chuyển viên các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng...

Dự kiến tầng 1 tiếp nhận khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0, sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học...

Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, dành cho các F0 mới phát hiện trong cộng đồng, được sàng lọc và chuyển đến từ các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tầng này điều trị các F0 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Bệnh viện dã chiến sẽ được bổ sung thêm nguồn oxy lỏng với dụng cụ, trang thiết bị thở oxy, máy HFNC, máy thở đơn giản, máy đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2,) máy chạy thận nhân tạo (tại một số bệnh viện), monitor theo dõi sinh hiệu, máy Xquang di động và một số thuốc điều trị cơ bản, thuốc điều trị một số bệnh nền phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim...

Dự kiến tầng 2 tiếp nhận khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0. Hiện, thành phố có 13 bệnh viện dã chiến với 32.000 giường, tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tầng 3 là các bệnh viện điều trị Covid-19 các trường hợp F0 có triệu chứng. Đây là những bệnh viện đa khoa hạng hai được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị Covid-19, chuyên tiếp nhận các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền, hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng.

Các bệnh viện ở tầng này sẽ được bổ sung thêm các trang thiết bị, dụng cụ thuốc như bệnh viện dã chiến nhưng với cơ số thuốc điều trị nhiều loại hơn cho nhiều loại bệnh lý nền đi kèm.

Dự kiến tầng 3 tiếp nhận khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0. Hiện, tầng này có 8 bệnh viện với tổng khoảng 3.315 giường.

Tầng 4 là các bệnh viện điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa, hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng.

Đây là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng một và một vài bệnh viện hạng hai nhưng phát triển chuyên khoa khá mạnh. Ngoài các trang thiết bị như tầng ba, các bệnh viện này bổ sung máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục, đảm bảo thuốc điều trị F0 nặng.

Dự kiến tầng 4 tiếp nhận khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0. Hiện có 10 bệnh viện với tổng số giường khoảng 3.900.

Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19, được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu các F0 nguy kịch.

Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0. Hiện có 4 bệnh viện với khoảng 2.000 giường.

Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 - TP HCM (TP Thủ Đức), ngày 19/7. Bệnh viện 1.000 giường, trước kia thuộc tầng 4, hiện thuộc tầng thứ 5 trong mô hình điều trị mới.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 - TP HCM (TP Thủ Đức), ngày 19/7. Bệnh viện 1.000 giường, trước kia thuộc tầng 4, hiện thuộc tầng thứ 5 trong mô hình điều trị mới.

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, TP HCM nhiều lần thay đổi kịch bản và mô hình chống dịch. Vào tháng 5, khi mới ghi nhận 3 ca nhiễm, TP HCM xây dựng 3 kịch bản y tế ứng phó, trong đó tình huống nghiêm trọng nhất là 5.000 ca bệnh. Rất nhanh sau đó, số ca nhiễm của thành phố vượt xa tình huống này. Ngành y tế áp dụng chiến lược tháp 3 tầng vào điều trị.

Sau nửa tháng, mô hình tháp 4 tầng được thay thế trước tình trạng lượng bệnh nhân tăng gần 500%. Trong đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với 1.000 giường thuộc tầng thứ tư, dành cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, thay thế mô hình điều trị 3 tầng ở Bắc Giang mà thành phố đã áp dụng, hiện trở thành tầng 5.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện