Trời rét, huyết áp có thể tăng, vì sao?
Thực tế, huyết áp ở người vào mùa đông thường tăng hơn so với mùa hè khoảng 5 - 10mmHg (kể cả ở những người không có bệnh lý về tim mạch, huyết áp). Vì vậy, nhiều người dù tiền sử không có bệnh lý tăng huyết áp nhưng đến những ngày đông lạnh giá, nếu không giữ ấm cơ thể, huyết áp có thể tăng lên 140 - 150mmHg và gây đau đầu, chóng mặt, khó chịu..., thậm chí là nguyên nhân dẫn đến đột tử.
Đâu là nguyên nhân?
Ngoài nguyên nhân do lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu, bia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng kèm theo lối sống ít vận động khiến người trẻ tuổi dễ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao... thì còn có nguyên nhân đặc biệt nữa là do thời tiết. Vào mùa đông, thời tiết giá lạnh kéo dài khiến tình trạng những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới đột quỵ.
Có một mối liên hệ giữa sự thay đổi thời tiết với bệnh lý tim mạch là vào mùa lạnh, cơ thể con người tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi). Do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não.
Cùng với đó, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Tình trạng co mạch làm lượng máu trở về tim tăng dẫn đến huyết áp tăng, co thắt các mạch vành. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân có triệu chứng đau tức ngực khi không giữ ấm cơ thể, giữ ấm tay chân. Kể cả những người trẻ tuổi, trong những ngày mưa bụi lâm thâm, nhiệt độ hạ xuống lạnh, nếu không giữ ấm sẽ bị tê bì tay chân, đau tức ngực, huyết áp tăng...
Nguyên tắc trong sinh hoạt của người tăng huyết áp
Người bị bệnh tăng huyết áp nên chú ý các nguyên tắc trong sinh hoạt hằng ngày sau: giữ ấm, tránh gió lạnh.
Hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và chế phẩm từ đậu. Hạn chế ăn những món ăn dầu mỡ, không hút thuốc, hạn chế uống rượu và nên giữ cho đại tiện được thông suốt.
Thường xuyên tập luyện thể thao, nâng cao khả năng chống lạnh, tránh mệt mỏi, căng thẳng. Tức giận và lo lắng cực độ đều có thể gây ra đứt mạch máu não. Cần duy trì tâm trạng lạc quan vui vẻ, không được quá vui vẻ, quá tức giận, lo lắng, buồn phiền, bi thương, sợ hãi.
Trị số huyết áp thay đổi rất nhiều khi có yếu tố tác động như tâm lý (lo âu, sợ hãi, mừng vui...), vận động (đi lại, chạy nhảy) hoặc môi trường (nóng lạnh), chất kích thích (thuốc lá, cà phê, rượu bia) và bệnh lý (nóng sốt, đau đớn). Trong những trường hợp trên, huyết áp thường tăng cao hơn bình thường.
Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài, liên tục theo đúng phác đồ điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh.
Mặt khác, bệnh nhân cần phải kiêng ăn mặn, uống rượu, bia, cà phê, thuốc lá..., tránh căng thẳng, lo âu quá mức, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi và luyện tập thể dục một cách hợp lý. Đặc biệt, người bệnh không nên thức dậy quá sớm, không nên ra ngoài tập thể dục, thay vào đó có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Đối với người tăng huyết áp, không nên tắm gội hàng ngày và không nên tắm, gội cùng lúc.
Đặc biệt, khi thấy trong người có những dấu hiệu bất thường như: nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... thì phải đến bệnh viện hoặc mời bác sĩ đến nhà khám ngay để có hướng điều trị phù hợp vì đó là những dấu hiệu biến chứng dễ làm bệnh nhân bị đột quỵ.
Theo SK&ĐS