Các bệnh thường gặp

Cảnh báo gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ

08:19, 14/07/2021
Một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất có thể gặp trong mùa mưa là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), đặc biệt là ở trẻ em. Các bé trai dưới 1 tuổi và bé gái dưới 4 tuổi dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

Mùa mưa là thời điểm dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết có thể làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Tình trạng ẩm thấp trong mùa này cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất có thể gặp trong mùa mưa là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), đặc biệt là ở trẻ em. Trong UTI, nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và gây ra cảm giác nóng rát khi người ta đi tiểu. Các bé trai dưới 1 tuổi và bé gái dưới 4 tuổi dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

 

Các bộ phận cơ thể có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu gồm:

- Bàng quang lưu trữ nước tiểu cho đến khi nó được giài phóng khỏi cơ thể.

- Niệu đạo, thải nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.

- Thận lọc máu và nước thừa để tạo ra nước tiểu.

- Niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang

Trẻ em có thể bị nhiễm trùng tiểu khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và đi lên niệu đạo, vào cơ thể. Hai loại nhiễm trùng tiểu có khả năng ảnh hưởng đến trẻ nhất là nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận. Khi nhiễm trùng đường tiết niệu tác động đến bàng quang của trẻ, được gọi là "viêm bàng quang" và khi nhiễm trùng từ bàng quang đến thận, nó được gọi là "viêm bể thận".

Cả hai bệnh nhiễm trùng này đều có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng nếu thận bị nhiễm trùng nặng, có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng của UTI bao gồm tổn thương thận và huyết áp cao. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đối mặt với nhiều nguy cơ nếu thận bị ảnh hưởng khi còn nhỏ tuổi. Nhận biết kịp thời và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu sớm sẽ giảm nguy cơ tổn thương thận.

Các biện pháp ngăn ngừa UTI

Có thể ngăn ngừa trẻ em mắc UTI bằng cách áp dụng một số biện pháp. Cha mẹ phải theo dõi và duy trì mức độ hydrat hóa của trẻ. Thông thường, trẻ em có xu hướng ít uống nước trong mùa này do không có cảm giác khát. Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu:

- Đảm bảo trẻ uống đủ nước. Nên uống ít nhất 7 - 8 cốc nước mỗi ngày. Các chất lỏng như nước hoa quả, nước canh cũng rất hữu ích.

- Đảm bảo trẻ được thông tiểu. Nếu bàng quang của trẻ không chứa nhiều nước tiểu sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Ngăn ngừa táo bón. Một lượng lớn phân trong trực tràng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

- Làm sạch trải ga giường và gối của trẻ thường xuyên để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn hoặc vi trùng nào trên vải.

- Cha mẹ nên giặt quần áo của trẻ hàng ngày để mồ hôi, bụi bẩn, ẩm ướt không dẫn đến nhiễm nấm/vi khuẩn.

- Đảm bảo trẻ dung nạp đủ lượng vitamin C và kẽm để giảm sự phát triển của vi khuẩn.

- Không bắt trẻ mặc quần lót chật.

- Khi trẻ đi vệ sinh cần biết cách làm sạch cho trẻ, lau từ trước ra sau.

Khi nào cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ?

Phụ huynh cần chú ý đến một số triệu chứng nhất định của con. Các triệu chứng phổ biến nhất của UTI bao gồm cảm giác nóng rát và cảm giác đau khi đi tiểu, muốn đi tiểu thường xuyên và tiểu gấp, nước tiểu có màu sẫm, nước tiểu có mùi lạ và trẻ có thể bị sốt trong những trường hợp nghiêm trọng. Cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ khi có các triệu chứng:

- Đau dữ dội và cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

- Sốt nhẹ

- Thay đổi màu sắc và mùi của nước tiểu

- Nước tiểu đục hoặc có vết máu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải là bệnh nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ nhưng nếu bệnh kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến thận của trẻ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng nhiễm trùng tiểu có thể dễ dàng điều trị và cha mẹ không nên hoảng sợ. Tuy nhiên, phụ huynh lưu ý những dấu hiệu nghiêm trọng để sớm điều trị kịp thời và hiệu quả cho trẻ./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện