Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sudan tiếp tục rơi vào khủng hoảng- Số phận của Tổng thống Bashir ra sao?

08:46, 13/04/2019
Những người biểu tình và lực lượng đối lập vẫn muốn ông Bashir phải chịu trách nhiệm về sự điều hành trong ba thập kỷ qua.

Trước làn sóng biểu tình mạnh mẽ, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã phải từ chức ngày 11/4 và Hội đồng quân sự chuyển tiếp nắm quyền kiểm soát đất nước trong 2 năm. Tuy nhiên, tình hình Sudan vẫn diễn biến phức tạp khi các đảng đối lập tiếp tục biểu tình phản đối Hội đồng quân sự chuyển tiếp và các tuyên bố của Hội đồng này. Viễn cảnh về một nền hòa bình ở Sudan vẫn còn xa.
Những phản ứng đầu tiên

Ngày 11/4, hàng ngàn người dân Sudan tiếp tục xuống đường tại thủ đô Khartoum ngay sau tuyên bố của hội đồng quân sự về tương lai của nước này. Từ không khí ăn mừng ngắn ngủi, tâm trạng người biểu tình đã chuyển sang thất vọng, giận dữ và tuyên bố sẽ bác bỏ bất kỳ thỏa thuận của hội đồng quân sự, cơ quan tình báo và an ninh quốc gia (NISS) hay lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đối với chính phủ chuyển tiếp. Thay vào đó, người dân Sudan đề nghị quân đội chuyển giao quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự.

Những người biểu tình phản đối tụ tập trước Bộ Quốc phòng sau khi quân đội tuyên bố Tổng thống nước này Omar Hassan al-Bashir sẽ được thay thế bằng Hội đồng quân sự chuyển tiếp (Ảnh: Reuters).
Những người biểu tình phản đối tụ tập trước Bộ Quốc phòng sau khi quân đội tuyên bố Tổng thống nước này Omar Hassan al-Bashir sẽ được thay thế bằng Hội đồng quân sự chuyển tiếp (Ảnh: Reuters).

Bất chấp lệnh giới nghiêm do quân đội Sudan áp đặt, tối 11/4 những người biểu tình vẫn tập trung ngoài đường theo lời kêu gọi của các lực lượng đối lập. Đảng đối lập của Quốc hội Sudan, Phong trào Giải phóng Sudan, Mặt trận Cách mạng Thống nhất (RUF), nhóm phiến quân Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan khu vực miền Bắc (SPLM-N).v.v… đã bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Sudan và khẳng định tiếp tục phản đối cho đến khi chế độ của Tổng thống Omar al-Bashir hoàn toàn bị lật đổ và quyền lực được trao lại cho một chính phủ chuyển tiếp dân sự.
Trong một diễn biến tiếp theo, Hội đồng quân sự chuyển tiếp do Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad bin Auf đứng đầu dự kiến sẽ họp vào chiều 12/4 để bàn về danh sách các thành viên của hội đồng. Phiên họp sẽ có đại diện ngoại giao các nước, đại sứ của các nước Arab, Mỹ cũng như các nước châu Phi và châu Á được công nhận tại Khartoum.

Một động thái được cho là xoa dịu người biểu tình khi sáng 12/4, Chủ tịch ủy ban chính trị của hội đồng quân sự ở Sudan Omar Zine El Abidine Omar Zine El Abidine cam kết rằng chính phủ tiếp theo sẽ hoàn toàn là chính phủ dân sự và nhấn mạnh rằng quân đội sẽ không can thiệp vào việc thành lập và bổ nhiệm các thành viên. Tướng Omar cho biết hội đồng quân sự sẽ bắt giữ những người tấn công người biểu tình, đồng thời chỉ ra rằng Hiến pháp 2005 chỉ bị đình chỉ chứ không phải bãi bỏ.

Phản ứng khu vực và quốc tế về tình hình Sudan

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi quá trình chuyển đổi ở Sudan phải đáp ứng nguyện vọng của người dân và đề nghị các bên liên quan kiềm chế tối đa. Liên Hợp Quốc kêu gọi xóa bỏ tình trạng khẩn cấp và giải quyết những bất bình chính đang của người dân Sudan. Liên hợp quốc cũng quyết định chi 26,5 triệu USD từ quỹ cứu trợ khẩn cấp để cung cấp thực phẩm, nước, thuốc chữa bệnh cho hơn 800 nghìn người, là nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế và nạn đói trong 6 tháng tới.

 Trong khi đó, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn về Sudan để đề ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng Sudan như hiện nay. Nước láng giềng Ai cập sớm ra tuyên bố ủng hộ tuyệt đối đối với sự lựa chọn của người dân Sudan trong việc định đoạt tương lai đất nước và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các quyết định của người dân Sudan. Các nước Ả-rập khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến tình hình Sudan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, ổn định của Sudan cũng như đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan.

Kịch bản nào cho tương lai của Sudan

Dù Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã từ chức nhưng các vấn đề của Sudan rất phức tạp và đầy thách thức. Đó là những vấn đề mà dù Hồi đồng quân sự chuyển tiếp điều hành đất nước hay một chính phủ mới được thành lập cũng phải đối mặt đó là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiệm trọng với tỉ lệ lạm phát là khoảng 70%, thất nghiệp, các nhóm khủng bố hoành hành, mất gần 3/4 doanh thu từ dầu mỏ do ly khai miền nam Sudan năm 2011, thu hút đầu tư nước ngoài hoặc vay thấp, nợ nước ngoài lên tới 56,5 tỷ đô la vào năm 2018 bằng 111% GDP.

Nhưng trước hết chắc chắn ưu tiên hàng đầu lúc này của Sudan là ổn định tình hình đất nước, kiểm soát an ninh. Đây cũng là một thách thức lớn bởi lực lượng đối lập tiếp tục phản đối vì họ cho rằng những gì đang diễn ra ở Sudan là một kịch bản bởi Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp Awad bin Auf là bạn của Tổng thống Bashir kể từ cuộc đảo chính năm 1989. Chính vì vậy Sudan sẽ không thể bình yên ngay cả khi ông Bahir từ chức.

Anh cho rằng việc duy trì chính phủ chuyển tiếp quân sự trong vòng 2 năm không phải là giải pháp cho sự thay đổi thực sự ở Sudan. Mỹ cũng đồng quan niệm này khi cho rằng người dân Sudan cần thực thi quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước và quá trình này cần diễn ra sớm hơn so với thời hạn 2 năm mà chính quyền quân sự đưa ra. Nga một nước khá ủng hộ chính quyền Bashir tuyên bố những gì đang xảy ra ở Sudan là một vấn đề nội bộ và dù kết quả ra sao quan hệ Nga và Sudan sẽ không đổi.

Nhiều câu hỏi đặt ra về số phận của Tổng thống Bashir. Cho tới ngày 12/4, ông Bashir vẫn đang bị quản thúc. Những người biểu tình và lực lượng đối lập vẫn muốn ông Bashir phải chịu trách nhiệm về sự điều hành trong ba thập kỷ qua. Hiện chưa rõ, Hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Nhưng cũng có một kích bản khác là ông Bashir sẽ sống lưu vong. Nhưng khả năng này cũng khó khả thi khi ông Bashir đang bị truy nã bởi một lệnh bắt giữ quốc tế đối của Tòa án Hình sự Quốc tế do bảy tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Darfur. Đây cũng chính là lý do khiến ông Bashir bị mắc kẹt trong những năm gần đây và đẩy ông tiếp tục nắm quyền lực ở nước mình để tiếp tục sửa đổi hiến pháp. Dù trước cuộc khủng hoảng, Tổng thống Omar Al-Bashir đã tới một số nước trong khu vực như Syria, Saudi Arabia, Qatar nhưng việc các nước Arba đứng ra bảo vệ hay hỗ trợ ông giải quyết cuộc khủng hoảng là không thể.

Tình hình Sudan sẽ càng phức tạp và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh của khu vực Bắc Phi, Trung Đông. Theo các chuyên gia, viễn cảnh về đạt được các mục tiêu cách mạng triệt có thể còn khá xa vời đối người dân Sudan. Tình hình Sudan có thể diễn biến phức tạp và khó kiểm soát trong bối cảnh làn sóng biểu tình tiếp tục gia tăng nguy hiểm. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng cộng đồng quốc tế  và các hành động ngoại giao quyết liệt có thể giúp Sudan gia tăng cơ hội đạt được một loạt các kết quả tích cực hơn./.

Theo VOV