Thế giới

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 100 triệu

08:09, 26/01/2021
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã khiến trên 100 triệu người khắp hành tinh mắc bệnh và trên 2,15 triệu trường hợp tử vong.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 16/1/2021.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 16/1/2021.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính tới 5 giờ ngày 26/1 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 100.201.733 trường hợp mắc COVID-19, trong số đó có 2.147.403 người không qua khỏi.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 72.152.797 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.901.533 ca và 110.669 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Bắc Mỹ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với tổng cộng 29.512.408 ca bệnh và 622.369 trường hợp tử vong. Đây cũng là khu vực tâm dịch hiện nay của thế giới.

Xếp tiếp theo là châu Âu. Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 thế giới đã ghi nhận tổng cộng 29.214.612 ca bệnh và 669.561 ca tử vong. Như vậy, số ca tử vong vỉ virus SARS-CoV-2 ở các nước châu Âu còn cao hơn cả Bắc Mỹ.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đến nay ghi nhận 22.636.920 ca mắc bệnh và 365.561 ca tử vong vì COVID-19.

Trên bình diện quốc gia/vùng lãnh thổ, Mỹ hiện là "điểm nóng" đại dịch COVID-19 lớn nhất thế giới. Tính tới rạng sáng 26/1 (giờ Việt Nam), Mỹ đã có tổng cộng 25.826.177 người mắc bệnh và 431.038 trường hợp tử vong.

Trung Quốc, quốc gia nơi đại dịch khởi phát vào trung tuần tháng 12/2020, hiện ghi nhận tổng cộng 89.115 ca mắc bệnh và 4.635 ca tử vong.

Hiện nay, nhiều quốc gia, khu vực đang đón nhận làn sóng dịch thứ 2, thứ 3 với tốc độ lây lan của virus nhanh hơn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện