Hôm 19/3, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Philippines Analiza Rebuelta Te cho biết, Chính phủ Philippines đang đánh giá chi phí thiệt hại do Trung Quốc gây ra đối với các nguồn tài nguyên biển của nước này trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông để xác định mức bồi thường.
“Chính phủ Philippines đang đánh giá lại các nguồn tài nguyên biển để có thể thiết lập dữ liệu cơ bản. Chúng tôi đang định giá các nguồn lợi để biết được giá trị thực của chúng. Không thể quản lý những gì chúng tôi không biết. Khi đã nắm được dữ liệu, chúng tôi có thể vạch ra những bước đi tiếp theo, có thể bao gồm hành động pháp lý nếu cần thiết", Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Philippines Analiza Rebuelta Te cho hay.
Tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines. (Ảnh: Jane's Defense Weekly) |
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 cũng đề cập đến các nguồn lợi thủy hải sản bị phá hoại.
Phán quyết PCA bác yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Nội dung phán quyết cũng nhấn mạnh, không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này.
Tòa PCA cũng khẳng định những hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc san hô, cùng những quần thể san hô sống và loài cá cộng sinh, khiến mật độ bao phủ san hô giảm 95% và hư hỏng các bãi san hô trên diện tích 70 km vuông.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Philippines Analiza Rebuelta Te cho rằng, việc xác định giá trị của các nguồn tài nguyên biển bị phá hủy, bao gồm cả những loài trai khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cần phải tiến hành toàn diện.
“Chúng ta cần đảm bảo mức độ thiệt hại là bao nhiêu, có thể bồi thường như thế nào và nếu không, phải xác định xem chúng ta có những phương án nào khác”, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Philippines nhấn mạnh.
Bà Analiza Rebuelta Te kêu gọi các nước hợp tác trên Biển Đông để bảo vệ môi trường và tài nguyên thủy hải sản. “Chúng ta có thể tăng cường hợp tác vì chúng ta có cùng mục tiêu cuối cùng là bảo vệ hệ sinh thái. Điều này có nghĩa là duy trì các nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh lương thực. Bảo vệ môi trường là bước đi để xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia”, bà Analiza Rebuelta Te cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin