Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói cứu trợ COVID-19. Ảnh: Reuters |
Việc ký ban hành dự luật cứu trợ đại dịch COVID-19 là thắng lợi chính trị lớn nhất của Tổng thống Biden kể từ khi ông giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng. Phát biểu tại buổi ký dự luật ở Nhà Trắng, ông Biden nói: "Dự luật lịch sử này sẽ tái thiết sinh lực quốc gia".
Lễ ký dự luật triển khai gói cứu trợ, tên chính thức là Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 12/3 (giờ Washington DC), song Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho hay sự kiện được đẩy lên sớm hơn do Quốc hội Mỹ đã trình dự luật lên sớm.
Tổng thống Biden cũng ký ban hành gói cứu trợ trên đúng ngày nước Mỹ kỷ niệm 1 năm ngày áp đặt phong tỏa để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tổng thống Biden dự kiến có bài phát biểu vào "giờ vàng" tối 11/3 để đánh dấu một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng ông Biden sẽ đề cập tới những hy sinh mà người Mỹ đã phải trải qua và thảo luận về những nỗ lực của chính quyền nhằm tăng cường sản xuất vaccine phòng COVID-19. Theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Biden cũng có kế hoạch đưa ra các bước tiếp theo để kiểm soát đại dịch.
Trước đó, Hạ viện Mỹ ngày 11/3 đã thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD nói trên với 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống, 4 ngày sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật. Đây là gói cứu trợ COVID-19 thứ ba của Mỹ và là biện pháp cứu trợ đại dịch lớn nhất trong lịch sử "xứ sở cờ hoa".
Gọi cứu trợ bao gồm các nội dung chính như sau: chi trả 1.400 USD cho một cá nhân và một khoản tương tự cho mỗi người phụ thuộc; Trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần áp dụng tới ngày 29/8 và có thể gia hạn; Chi 20 tỷ USD cho chương trình phân bổ vaccine COVID-19 và 50 tỷ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết virus SARS-CoV-2; Chi 350 tỷ USD cứu trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương; Chi 25 tỷ USD để hỗ trợ người thuê nhà trả phí; Chi 170 tỷ USD để hỗ trợ sinh viên và giúp các trường học từ cấp mẫu giáo (K) cho tới lớp 12 mở lại trường học; Đặc biệt, gói cứu trợ của Hạ viện Mỹ có cả điều khoản nâng lương tối thiểu của người lao động liên bang lên 15 USD/giờ, song điều khoản này nhiều khả năng sẽ bị chặn tại Thượng viện.
Theo Đại học Johns Hopkins, hơn 529.400 người Mỹ đã chết vì COVID-19 tính đến chiều 11/3. Khi chính quyền Biden tăng cường các nỗ lực tiêm chủng trên toàn quốc, các quan chức đã nhấn mạnh rằng cần có sự tài trợ của quốc hội để đưa vaccine đến tay mọi người Mỹ.
Tổng thống Biden cam kết đến cuối tháng 7 tới Mỹ sẽ có 600 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ. Bày tỏ lạc quan về tương lai cuộc sống của người dân Mỹ trở lại bình thường, Tổng thống Biden cho biết ông mong muốn nhanh chóng đưa trẻ em quay lại trường học và chủ trương tiêm vaccine cho các giáo viên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin