Ngày 21/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội với chủ đề chính là thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và các biện pháp hỗ trợ người dân. Đây là lần đọc thông điệp thứ 27 trong lịch sử Nga hiện đại và là lần thứ 17 đối với Tổng thống Putin.
Dưới đây là một số điểm nhấn trong thông điệp liên bang của Tổng thống Putin.
Tổng thống Nga Putin đọc thông điệp liên bang ngày 21/4. Ảnh: Tass |
Tinh thần đoàn kết của nước Nga
Tổng thống Putin đã dành phần mở đầu bài phát biểu của mình để nhấn mạnh rằng những giá trị đạo đức và tinh thần sẽ khiến người dân Nga trở nên mạnh mẽ hơn. Ông nhận định, trong suốt lịch sử, người dân Nga đã vượt qua đau khổ và thử thách chính là nhờ vào sự đoàn kết.
"Ngày hôm nay, gia đình, tình bạn, sự hỗ trợ cộng đồng và lòng cảm thông đã tạo nên sức mạnh cho chúng ta. Những giá trị đạo đức và tinh thần, điều mà một số quốc gia lãng quên, trái lại, đã khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ phải luôn duy trì và bảo vệ những giá trị ấy".
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng, trong suốt đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết của người dân Nga được thể hiện qua những hành động cụ thể như chăm sóc những người thân và sẵn sàng hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ. Hàng triệu người đã trở thành các tình nguyện viên và chiến dịch quốc gia We Are Together đã mang các cá nhân từ mọi tầng lớp lại với nhau.
Thông điệp đoàn kết của Tổng thống Putin được đưa ra giữa bối cảnh nước này vẫn đang đối phó với đại dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Nga nhận định: "Rõ ràng đại dịch này là một mối lo ngại lớn nhưng cá nhân tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta hoàn toàn có thể đánh bại tất cả những thách thức này. Những công dân, xã hội và nhà nước của chúng ta đã hành động một cách có trách nhiệm và đoàn kết. Cùng với nhau, chúng ta có thể tiến hành những bước đi hiệu quả".
Tổng thống Putin khen ngợi các nhà khoa học Nga đã "tạo được bước đột phá khi hiện Nga có 3 loại vaccine ngừa Covid-19 đáng tin. Điều này và nhiều thành tựu khác những năm gần đây trực tiếp cho thấy tiềm năng và công nghệ của đất nước chúng ta".
Ông Putin cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng vào mùa thu năm nay.
Vạch rõ “lằn ranh đỏ” với phương Tây
Tổng thống Putin đã lên tiếng cảnh báo phương Tây về "những lằn ranh đỏ" không thể vượt qua, cũng như chỉ trích các lệnh trừng phạt "không công bằng" nhằm vào nước Nga.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng một số nước đã quen với việc sử dụng các lệnh trừng phạt "bất hợp pháp" và cố gắng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác. Theo Tổng thống Putin, "những hành động không thân thiện" nhằm chống lại nước Nga vẫn đang diễn ra "mà không có bất kỳ lý do nào". Ông Putin cũng cho rằng việc tấn công vào nước Nga bằng những động thái không thân thiện trở thành một "trò giải trí mới" của phương Tây.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin chỉ rõ, Nga sẽ đáp trả "nhanh chóng, cứng rắn và bất đối xứng" để bảo vệ lợi ích của mình nếu các quốc gia khác từ chối đối thoại. Nhà lãnh đạo này cho rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm thay đổi chế độ ở nước láng giếng Belarus là một mối đe dọa với an ninh của Nga.
Ông cũng khẳng định, Nga muốn "mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế", thậm chí cả với các nước căng thẳng với nước này và ngay cả khi hệ thống vũ khí hạt nhân được hiện đại hóa của Nga đã sẵn sàng đi vào sử dụng.
"Những bên thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào đe dọa đến những lợi ích cơ bản về an ninh quốc gia của chúng tôi đều sẽ hối tiếc về những hành động của họ. Tôi hy vọng không có ai định vượt qua cái gọi là lằn ranh đỏ với Nga và chúng tôi sẽ là bên quyết định lằn ranh đỏ đó là gì trong từng trường hợp cụ thể", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Không đề cập đến căng thẳng với Ukraine
Trái với một số dự đoán, Tổng thống Putin không hề thông báo bất kỳ động thái quan trọng nào liên quan đến vấn đề Ukraine trong bài thông điệp liên bang vừa qua. Trước đó, các nhà quan sát dự đoán Tổng thống Putin sẽ sử dụng bài thông điệp liên bang này để thông báo về những động thái quan trọng với Ukraine giữa bối cảnh 100.000 binh lính Nga được huy động ở biên giới với nước này và Tổng thống Ukraine đã công khai cảnh báo về nguy cơ chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, kịch bản trên đã không xảy ra, thậm chí cả khi sự hiện diện quân sự trên quy mô lớn của Nga gần biên giới với Ukraine không có dấu hiệu giảm bớt.
Dù vậy, New York Times cho rằng mặc dù chủ yếu nhấn mạnh vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu Tổng thống Putin có ý định rút quân khỏi biên giới Ukraine hay không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chiều 20/4 (giờ địa phương) đã đề nghị gặp Tổng thống Nga Putin ở khu vực xảy ra xung đột đột gần biên giới hai nước sau khi Tổng thống Đức Merkel cho rằng sự hiện diện của 100.000 binh lính Nga tại đây đang tạo ra tình hình "vô cùng căng thẳng".
"Bất chấp việc cùng có quá khứ chung, Ukraine và Nga đang nhìn về tương lai một cách khác biệt. Tuy nhiên điều này không nhất thiết phải trở thành vấn đề mà có thể là một cơ hội mà ở mức độ tối thiểu, đó là cơ hội chấm dứt sự tổn thất trong tương lai về mặt quân sự trước khi quá muộn", nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.
Phía Nga chưa có phản hồi về lời đề nghị của Tổng thống Zelensky. Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận về vai trò trong cuộc xung đột ở Donbass, đồng thời miêu tả việc tăng cường lực lượng ở biên giới phía tây với Ukraine và trên Bán đảo Crimea là động thái phòng vệ.
Căng thẳng ở miền đông khiến Ukraine kêu gọi NATO thông qua đề nghị trở thành thành viên của khối này. Ukraine hiện là một đồng minh chứ không phải một thành viên của NATO. Kiev cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt mới lên Nga. Tuy nhiên, bất chấp đề xuất từ phía Ukraine, EU đã bác bỏ việc gia tăng trừng phạt vào thời điểm này.
"Các công dân của chúng ta cần những dấu hiệu rõ ràng trong năm thứ 8 của cuộc xung đột này. Một quốc gia là tấm khiên bảo vệ cho châu Âu bằng mọi giá sẽ cần nhận được sự ủng hộ không chỉ như những đối tác mà là những đồng đội sát cánh với nhau", ông Zelensky nhận định.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết Ukraine muốn chấm dứt xung đột qua ngoại giao nhưng sẵn sàng tự vệ nếu bị tấn công: "Ukraine có muốn chiến tranh không? Không. Nhưng Ukraine có sẵn sàng cho chiến tranh không? Câu trả lời là có"./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin