Trong khi Mỹ và các đồng minh NATO trên khắp châu Âu thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, có một quốc gia dường như đang kiềm chế. Đó là Đức – nước có vai trò hàng đầu ở châu Âu.
Berlin chống lại sức ép từ các đồng minh và láng giềng về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi “thận trọng” khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm tàng đối với Moscow.
Việc cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu miễn cưỡng cùng các đồng minh phương Tây thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga đã khiến Ukraine lên tiếng chỉ trích. Kiev cho rằng, động thái của Berlin có thể làm suy yếu nỗ lực thể hiện một mặt trận thống nhất và vững mạnh chống lại sự gây hấn của Moscow.
Viện trợ quân sự của Mỹ được đưa tới Ukraine. Ảnh: NBC News |
Đức từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói với tuần báo Welt am Sonntag rằng, việc gửi vũ khí tới Ukraine “sẽ không giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng”.
Thủ tướng Olaf Scholz ngày 25/1 cũng cho biết, Đức ủng hộ nền kinh tế và nền dân chủ của Ukraine, nhưng không phải bằng việc cung cấp vũ khí. Lập trường này “bắt nguồn từ những diễn biến trong vài năm và vài thập kỷ qua”, phản ánh quyết tâm không tham gia hoặc đẩy nhanh xung đột vũ trang vốn xuất phát từ chủ nghĩa hòa bình sau thất bại của Đức Quốc xã và trong Chiến tranh Lạnh.
Sự mềm mỏng của Đức được chú ý trong bối cảnh các thành viên NATO điều động lực lượng đến sườn phía Đông của liên minh, xung quanh Ukraine.
Đan Mạch gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Litva gần đó, Tây Ban Nha cử tàu tham gia hạm đội NATO, Pháp sẵn sàng điều quân đến Romania; Vương quốc Anh đã gửi vũ khí chống tăng trực tiếp đến Kiev; và vào tối 24/1, Mỹ cho biết nước này đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng “cảnh giác cao độ” trong khi cân nhắc việc triển khai lực lượng đến khu vực ngoài việc gửi “viện trợ vũ khí sát thương”.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã cáo buộc Đức có lập trường “không tương ứng với mức độ quan hệ giữa 2 nước và tình hình an ninh hiện tại”.
Reuters ngày 26/1 đưa tin, Đức cho biết sẽ cung cấp 5.000 mũ bảo hiểm quân sự cho Ukraine. Điều này là để đáp lại một yêu cầu cụ thể nhưng cũng thể hiện lập trường của Đức kiên quyết phản đối viện trợ quân sự.
Vậy tại sao Đức lại ngần ngại sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng của nước này vào thời điểm khủng hoảng? Các chuyên gia cho rằng là lý do là sự kết hợp giữa các mục tiêu kinh tế ngắn hạn và cái bóng dài của lịch sử thế kỷ 20.
Cái bóng của lịch sử
Ông Marcel Dirsus, tại Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel ở Đức cho biết: “Đó là điều luôn ở trong tâm trí người Đức khi họ cân nhắc về chính sách đối ngoại liên quan đến Nga”.
Theo ông Dirsus, Liên Xô đã mất khoảng 27 triệu người trong Thế chiến thứ hai, trong đó bao gồm cả người Ukraine, và vai trò của Đức trong cuộc chiến là yếu tố tích cực trong việc ra quyết định của Berlin ngày nay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Anadolu |
Ông Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị tại Kiev và là người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Penta cho biết: “Đó là những điều phức tạp của Thế chiến II cũng như các thỏa thuận của Đức ở Ukraine và Nga thời Liên Xô. Về mặt kinh tế và chính trị, Đức không muốn gây sự với Nga".
Không phải ai cũng cho rằng đây là bài học đúng đắn cần rút ra từ những sai lầm trong lịch sử của đất nước. Một số người coi việc Đức vận chuyển vũ khí cho Ukraine là cách để ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu.
Ông Friedrich Merz, người thay thế bà Angela Merkel làm lãnh đạo đảng trung hữu CDU, ngày 24/1 đã kêu gọi Đức can thiệp đặc biệt vì trách nhiệm lịch sử của nước này trong việc đảm bảo hòa bình ở châu Âu.
Vị thế đồng minh đáng tin cậy của Đức đã bị giáng một đòn mạnh hơn khi lãnh đạo Hải quân Đức Kay-Achim Schönbach phát biểu với một tổ chức nghiên cứu Ấn Độ rằng, thật vô lý khi nói ông Vladimir Putin muốn xâm lược Ukraine và ông Putin đáng nhận được sự “tôn trọng” chứ không phải thù địch. Ông Schönbach đã từ chức hôm 22/1.
Dù vậy, Đức vẫn là một thành viên quan trọng của NATO và khẳng định nước này đoàn kết với các đồng minh phương Tây về mối đe dọa quân sự của Nga đối với Ukraine.
Thế khó của Đức
Thủ tướng Olaf Scholz nói với các phóng viên ngày 25/1 rằng các nước thành viên NATO sẽ cùng hành động nếu có một cuộc xâm lược và Nga sẽ phải “trả giá đắt”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức không nêu cụ thể “cái giá” đó là gì.
Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức. Sự phụ thuộc sẽ chỉ tăng lên khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đi vào hoạt động. Đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic trị giá hàng tỷ USD đã hoàn thành vào năm 2021, nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động.
Dự án bị phần lớn các nước phương Tây, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, phản đối mạnh mẽ. Mặc dù Đức không loại trừ việc áp trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng Berlin sẽ chỉ làm vậy nếu Nga sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí.
Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã hoàn thành vào năm 2021, nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động. Ảnh: Reuters |
Một số nhà phân tích cho rằng, có mối liên hệ giữa sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng và việc miễn cưỡng đối đầu với Nga.
“Nước Đức cảm thấy an toàn khi họ có khả năng thỏa thuận với bất cứ ai trong vài thập kỷ qua. Đó là một vị trí rất thoải mái và rất khó để thuyết phục người dân của bạn rằng mọi thứ cần phải thay đổi vì thế giới đã thay đổi,” ông Dirsus nói.
Trong bối cảnh 100.000 binh sĩ Nga đổ dồn về biên giới Nga với Ukraine và căng thẳng leo thang từng ngày, vị trí đó của Đức có thể không bền vững.
“Việc Đức được nhìn nhận là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ và Trung Âu cũng như việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Moscow sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Berlin chỉ có thể làm một trong hai điều đó”./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin