Thế giới

Đức nói "không có đường tắt" để Ukraine gia nhập EU, Kiev đáp trả

07:30, 20/05/2022
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tuyên bố sẽ không đẩy nhanh yêu cầu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine, một động thái khiến Kiev phản ứng.

"Đức và các quốc gia thành viên khác của EU sẽ luôn ủng hộ nguyện vọng hội nhập châu Âu của Ukraine. Tuy nhiên, một số thủ tục không thể được bỏ qua hoặc đẩy nhanh", Thủ tướng Scholz phát biểu trước Quốc hội Đức ngày hôm nay (19/5), theo trang tin Euronews.

Dù nhắc lại quan điểm "Ukraine là một phần trong gia đình châu Âu của chúng ta", song người đứng đầu Chính phủ Đức cũng cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đúng khi nói quá trình để trở thành thành viên chính thức của EU có thể kéo dài và mất tới nhiều năm.

“Sẽ không có đường tắt nào để vào EU", Thủ tướng Scholz nêu rõ, đồng thời cho biết điều này sẽ không công bằng đối với các quốc gia ở khu vực Tây Balkan, những nước đã chờ đợi để gia nhập khối này suốt nhiều năm qua.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: APA
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: APA

Phản ứng trước tuyên bố trên của Thủ tướng Đức, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cùng ngày đã viết trên Twitter: "Sự mơ hồ về mặt chiến lược đối với viễn cảnh tại châu Âu của Ukraine, được tiến hành bởi một số nước EU trong những năm gần đây, đã gặp thất bại và phải chấm dứt".

Ông Kuleba cũng cho rằng, việc "bị đối xử như một quốc gia hạng hai" của Ukraine đã làm "tổn hại tình cảm" của người dân nước này đối với EU.

Hồi tháng 4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đến Kiev và trao bảng câu hỏi đánh giá mức độ sẵn sàng gia nhập EU cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Phía Ukraine sau đó đã hoàn thành bảng câu hỏi và nộp lại cho EC. Tổng thống Zelensky thời điểm đó cho biết đây là bước đi giúp Ukraine đạt tư cách gia nhập EU "chỉ trong vài tuần tới".

Tuy nhiên, nhiều nước EU cho biết họ muốn tập trung hỗ trợ Ukraine một cách thiết thực và chấm dứt xung đột, hơn là bắt tay vào quá trình có thể mất ít nhất một thập kỷ này. Để gia nhập EU, một quốc gia phải trải qua quy trình đánh giá kéo dài, và phải nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước thành viên.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện