Tuần trước, Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi họ từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Hai quốc gia cũng đã lên kế hoạch ngừng sử dụng khí đốt của Nga trong năm nay và dự tính sẽ bù đắp từ các nguồn thay thế khác. Tuy nhiên, điều này vẫn làm dấy lên mối lo ngại cho các thành viên EU, bao gồm cả Đức, khi có thể trở thành nước tiếp theo bị Nga cắt nguồn cung năng lượng.
Trạm khí tự nhiên Astora lớn nhất Tây Âu ở Đức. Ảnh: Reuters |
Thêm vào đó, nội bộ EU đang đứng trước nguy cơ bị chia rẽ vì những bất đồng liên quan đến kế hoạch trừng phạt Nga. Các lệnh trừng phạt này đang đẩy nhiều công ty EU rơi vào thế khó khi họ muốn mua khí đốt của Moscow nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định do khối đặt ra.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã có văn bản hướng dẫn các công ty mua khí đốt theo đề xuất của Moscow mà không vi phạm các lệnh trừng phạt do chính châu Âu ban hành với Nga. Tuy vậy, các nước EU đã yêu cầu Ủy ban hướng dẫn rõ ràng hơn về vấn đề này, trong bối cảnh các nước có cách diễn giải khác nhau.
Cụ thể, các nước muốn làm rõ liệu việc gửi euro đến ngân hàng Gazprombank rồi được chuyển đổi thành đồng rúp theo yêu cầu của Nga có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Đây là vấn đề mà các nước EU có ý kiến khác nhau.
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), các nước EU đã thanh toán cho Nga hơn 45 tỷ euro (47,43 tỷ USD) kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.
Đối với Brussels, những yêu cầu của Nga là sự vi phạm đơn phương các hợp đồng hiện có và là một cách để Moscow né các lệnh trừng phạt từ châu Âu.
EC đã phát đi cảnh báo tới các nước thành viên rằng việc làm theo kế hoạch của Nga có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của EU, đồng thời đề xuất các quốc gia phương án hoàn tất khoản thanh toán sau khi được thực hiện bằng đồng euro và trước khi chuyển đổi sang đồng rúp. Brussels cũng đang soạn thảo hướng dẫn bổ sung để thống nhất quy trình thanh toán cho các nước thành viên.
Hiện nay, Nga là nước cung cấp 40% lượng khí đốt và 26% lượng dầu nhập khẩu của EU. Trên thực tế, các nước châu Âu có sự phụ thuộc khác nhau về khí đốt của Nga, song các nhà phân tích cho rằng, việc cắt toàn bộ khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay lập tức sẽ khiến các nước rơi vào suy thoái, nhất là Đức – quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khối, do đó cần có các biện pháp ứng phó phù hợp. Trước tình hình đó, các nước như Áo, Hungary, Italy và Slovakia cũng tỏ ra khá do dự.
Bất chấp các ý kiến phản đối, cuối tháng này, EC sẽ công bố kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga từ năm 2027, bao gồm các biện pháp mở rộng năng lượng tái tạo và cải tạo các tòa nhà tiêu thụ ít năng lượng hơn./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin