Chiêm bái vẻ đẹp Thatluang và Lễ hội lớn nhất nước Lào

11:16, 08/11/2022
Từ ngày 4-8/11, Lào tưng bừng Lễ hội Thatluang (Lễ hội xung quanh một ngọn tháp), đây là lễ hội lớn nhất thường niên thu hút người dân khắp cả nước Lào kể cả Lào kiều ở nước ngoài về dự.

Thatluang (Thát luổng), tiếng Lào nghĩa là “tháp lớn”. Người Lào coi Thatluang là một trong những điểm tâm linh vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với tín đồ Phật giáo. Lào là quốc gia có đến 90% dân số theo phật giáo nên Đạo phật được gọi là quốc đạo của Lào và Thát luổng là điểm sinh hoạt tâm linh hàng ngày của các tín đồ Phật giáo. Tại đây mỗi năm có một lễ hội lớn, gọi là Boun Thaluang (Lễ hội Thạt luổng), thu hút hàng triệu người trên khắp mọi miền đất nước Lào, kể cả Lào kiều ở nước ngoài đến tham gia.

Vẻ đẹp uy nghiêm của Thatluang.

Một trong, hoạt động chính và là điểm nhấn của Lễ hội là lễ rước tháp sáp ong (Tiếng Lào gọi là “Hè Phạ Sạt Phơng”) từ chùa Mẹ Simuang (Xỉ Mương), ngôi chủa cách đó khoảng 3 cây số, gần bờ sông Mekong, tới Thatluang.

Tham dự lễ rước có Phó Thủ tướng Chính phủ Lào, ông Kikeo Khaikhamphithoun và Đô Trưởng Vientiane, ông Atsaphangthong Siphandone, cùng đông đảo quan chức các bộ ngành trung ương, các địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tháp “Phạ Sạt Phơng” là một mô hình kiến trúc đền thờ cách điệu, được làm bằng chất liệu xốp và sáp ong, xung quanh gắn hoa và sơn màu vàng rực rỡ. Trên chóp cắm 9 bông hoa sen trắng, xung quanh tháp có các tua dây kết hoa, kết tiền lẻ.

Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhanphithoun (đi giữa) tham gia lễ rước tháp sáp ong quanh Thatluang.

Theo tục lệ, mỗi gia đình, mỗi bản đều có chung một “Phạ Sạt Phơng” rước về trung tâm Thaluang. Mọi người dân từ khắp nơi cùng đổ về chật kín sân Thạt Luổng chứng kiến rước tháp sáp ong đi quanh Thatluang 3 vòng và đặt lễ vật, thành kính nguyện cầu.

Tháp sáp ong còn được treo nhiều tiền lẻ.

Bà Vilayvone Chanhthalati Giám đốc Sở Thông tin Văn hóa và Du lịch thành phố Vientiane cho biết: Lễ hội năm nay tiến hành sau khi Lào kiểm soát được dịch Covid-19, nên lễ hội tổ chức quy mô hoành tráng nhất, đủ đầy các bước lễ nghi theo truyền thống: “Lễ hội đặt ra mục tiêu phải đảm bào an toàn, an ninh; đúng quy định trình tự theo phong tục tập quán; khuôn viên diễn ra lễ hội phải sạch, đẹp; các hoạt động trong lễ hội phải phù hợp nét văn hóa truyền thống dân tộc Lào. Ngay trong thời gian lễ hội còn có hội chợ giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống; biểu diễn nghệ thuật dân gian kết hợp xen lẫn nghệ thuật đương đại, phù hợp và lành mạnh để phục vụ du khách.” Bà Vilayvone Chanhthalati nhấn mạnh.

Mỗi quận huyện đều tham gia rước một bộ Tháp sáp ong.

Thatluang là công trình kiến trúc độc đáo của quốc gia Lào, tọa lạc giữa trung tâm thủ đô Vientiane, gần tòa nhà Quốc hội của Lào. Thatluang được đánh giá là một trong những công trình sắc đặc nhất, biểu tượng cho trí tuệ, óc sáng tạo và tinh thần đoàn kết của người dân Lào.

Thatluang được xây dựng từ năm 1566 dưới triều vua Setthathilath theo hình một nậm rượu dát vàng, trên một phế tích của một ngôi đền mang nét văn hóa Ấn Độ thế kỷ 13. Tương truyền, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Đây cũng là ngôi tháp cổ lớn nhất nước Lào. Thạt Luổng đã từng bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng.

Thatluang tọa lạc giữa trung tâm thủ đô Vientiane.

Thạt Luổng là kiến trúc trung tâm trong khuôn viên của chùa Thatluang và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào với chiều cao 45m. Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi như một mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía. 

Cấu trúc mô hình của Thatluang cùng cách trang trí hài hòa với đường nét nhiều màu sắc, trở thành biểu tượng của quốc gia Lào. Hình dáng cao vút trên đỉnh của Thatluang tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh.

Người dân Lào rất tự hào khi tham gia Lễ hội.

Khối thân hình cầu của tháp quy mô và bề thế giống với tháp Sanchi của Ấn Độ được bao bọc bởi ánh hào quang của những ngọn tháp rực rỡ nhìn như một đóa hoa tỏa hương. Màu bên ngoài của tháp cũng là màu vàng truyền thống của những khu chùa cổ. Tháp có 3 cấp độ, mỗi cấp độ lại mang một ý nghĩa giáo lý Phật giáo riêng.

Thatluang được đánh giá là một công trình kiến trúc đặc sắc mang tính tôn giáo và là biểu tượng của trí tuệ cũng như sự sáng tạo của người Lào.
Phần Hội của Lễ hội Thatluang có nhiều trò chơi hấp dẫn cùng với biểu diễn nghệ thuật, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng. Một trò chơi truyền thống được diễn ra tại lễ hội này đó là môn tỉ khi (tức đấu vật). Môn tỉ khi được chia làm hai phe, phe quan chức và phe nông dân. Nếu năm nào phe nông dân thắng thì năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân no đủ. Nhưng nếu phe quan chức thắng thì năm đó thiên tai thất bát. Vì vậy trò đấu vật mang tính biểu trưng này năm nào phe nông dân cũng thắng.

Phần cuối của lễ hội diễn ra trong đêm 8/11 với lễ rước nến bởi hàng nghìn Phật tử cầm trên tay những ngọn nến được thắp sáng đi vòng quanh tháp, tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo.

 

Quốc Khánh

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện