Phát biểu tại buổi lễ, ông Heng Ratana, Giám đốc Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia (CMAC) cho biết, mặc dù cuộc chiến tranh đầy đau thương ở Campuchia đã kết thúc nhưng di chứng của cuộc chiến vẫn còn mãi: những gia đình bị ly tán, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đặc biệt hàng triệu quả bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại là kẻ sát nhân giấu mặt, đang nằm rải rác khắp Campuchia và là gánh nặng đè lên mỗi người dân cũng như chính phủ.
Theo ông Heng Ratana, vấn đề bom mìn và vật liệu nổ của chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với dân thường và là rào cản đối với mong muốn trở về nhà của người dân Ukraine. Vì vậy, việc rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh là một hành động nhân đạo cấp thiết và cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi cơ sở hạ tầng và đất đai cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia cho rằng, công tác rà phá bom mìn cũng như xây dựng lòng tin cho người dân về sự an toàn và sự phục hồi phải cần thời gian dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Campuchia vào tháng 11/2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thảo luận và nhất trí hỗ trợ hành động bom mìn nhân đạo tại Ukraine.
Thực hiện cam kết của lãnh đạo hai nước, CMAC tổ chức đào tạo cán bộ xử lý bom mìn tại Campuchia vào tháng 1/2023 về việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật rà phá bom mìn, đặc biệt là thiết bị rà phá bom mìn ALIS do Nhật Bản sản xuất./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin