Trong tháng này, quân đội Ukraine sẽ bắt đầu huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo. Bà Laura Cooper - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách các vấn đề liên quan đến Nga, Ukraine và lục địa Á-Âu - cho biết quá trình này sẽ mất vài tháng.
Ngày 17-1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có buổi hội đàm cùng Thủ tướng Hà Lan Rutte để bàn về viện trợ Patriot cho Ukraine trong thời gian tới. Trước đó, Đức cũng tuyên bố sẽ chuyển giao Patriot cho Kiev.
Điều này có nghĩa là Patriot có thể sẽ sớm tham gia đầy đủ vào các hoạt động chiến đấu giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, liệu Patriot có làm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường không? Ông Mikhail Khodaryonok - cựu Đại tá quân đội Nga và là chuyên gia về lĩnh vực phòng không - đã có bài bình luận về vấn đề này trên đài RT.
Patriot sẽ thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường Ukraine ra sao và Nga có phương án đối phó nào?
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Ảnh: SPUTNIK |
Theo ông Khodaryonok, trong điều kiện thời chiến, việc đào tạo các chuyên gia Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng hệ thống Patriot có thể sẽ không mất nhiều thời gian. Hơn nữa, binh sĩ Ukraine cũng đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không S-300 – một hệ thống có cấu trúc tương tự như Patriot.
Quân đội Ukraine sẽ phải được huấn luyện và diễn tập bắn đạn thật bằng Patriot này trước khi các hệ thống được đưa đến chiến trường. Quá trình vận chuyển Patriot đến khu vực giao tranh cũng mất một khoảng thời gian. Theo đó, xét tổng thời gian chuẩn bị, các hệ thống Patriot này dự kiến sẽ “sẵn sàng chiến đấu vào tháng 3”.
Patriot giúp được gì cho Ukraine?
Hệ thống tên lửa Patriot (đặc biệt là Patriot cải tiến PAC-3) là một sản phẩm tối tân của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ. Có lẽ, nếu Nhà Trắng quyết định gửi vũ khí phòng thủ tên lửa tiên tiến như vậy tới Ukraine, vấn đề cung cấp cho Kiev các loại xe tăng chiến đấu kiểu phương Tây như Leopard 2 của Đức sẽ không mất nhiều thời gian để giải quyết.
Cùng với khẩu đội Patriot của mình, Berlin cũng sẽ gửi 40 xe chiến đấu bộ binh Marder tới Ukraine, theo phát ngôn viên chính phủ Liên bang Đức Steffen Hebestreit. Đây là một bước tiến lớn khác hướng tới việc trang bị vũ khí phương Tây cho quân đội Ukraine.
Điều đáng chú ý là sau khi nhận được các hệ thống tên lửa Patriot và xe bọc thép hạng nặng, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ chỉ còn một bước nữa là tìm cách có được các máy bay chiến đấu F-15 và F-16.
Các khẩu đội Patriot là “món quà vô giá” đối với Kiev. Theo giới chuyên gia quân sự, các hệ thống này có khả năng phòng thủ tên lửa phi chiến lược. Khả năng này sẽ đặc biệt hữu ích cho Ukraine khi là một phương tiện hiệu quả để chống lại máy bay có người lái, tên lửa hành trình trên biển và trên không, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa đạn đạo tác chiến-chiến thuật.
Các hệ thống này rất có thể sẽ được triển khai để bảo vệ thủ đô Kiev khỏi các trận mưa tên lửa từ phía Nga. Tuy nhiên, sẽ cần hàng chục khẩu đội Patriot để bao phủ tất cả các trung tâm hành chính và chính trị của Ukraine, bao gồm các thủ phủ và các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng. Ukraine cũng khó có thể nhận được nhiều hệ thống MIM-104 Patriot như vậy trong tương lai gần.
Điểm yếu của Patriot
Hiện tại, mối quan tâm chính là số lượng tên lửa dẫn đường phòng không sẽ được cung cấp cùng với hệ thống Patriot, vì số lượng tên lửa mà Ukraine dùng để đẩy lùi bước tiến của Nga đã vượt quá mức dự kiến. Nếu Ukraine không nhận đủ tên lửa, hai khẩu đội Patriot của họ sẽ trở nên vô dụng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cũng có những điểm yếu, ông Khodaryonok nhận định. Theo ông, khả năng tìm kiếm của radar đa chức năng Patriot AN/MPQ-53 khá thấp. Tính năng này không chỉ có ở hệ thống Patriot mà còn ở radar dẫn đường và chiếu sáng mục tiêu, cũng như radar đa chức năng của hệ thống tên lửa phòng không S-300/400 của Nga.
Patriot sẽ thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường Ukraine ra sao và Nga có phương án đối phó nào?
Hệ thống tên lửa phòng không S-300. Ảnh: DEFENSE EXPRESS |
Do đó, nếu được triển khai gần Kiev, tổ hợp tên lửa Patriot sẽ cần được cung cấp thêm khả năng tìm kiếm và nhắm mục tiêu. Ông nhấn mạnh đây thực sự là một vấn đề lớn cho Kiev.
Nga có phương án đối phó nào?
Theo ông Khodaryonok, việc chiếm được một hệ thống phòng không Patriot là một kịch bản rất khó xảy ra. Hệ thống này không phải là vũ khí tiền tuyến và có thể sẽ được bố trí ở hậu cứ quân đội Ukraine. Nga có thể sẽ cần phải triển khai một chiến dịch tấn công mới mong chiếm được hệ thống Patriot, tuy nhiên thậm chí một chiến tấn công như vậy cũng không đảm bảo sẽ có được Patriot.
Ông chứng minh lập luận của mình rằng tính tới hiện tại vẫn không có một hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Ukraine nào rơi vào tay Nga. Trong khi đó, mọi đánh giá, kiểm tra chi tiết Patriot đều chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp Nga chiếm được Patriot và tháo gỡ hệ thống.
Các hệ thống phòng không Patriot được chuyển giao cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các lực lượng Nga, nhưng nhiệm vụ này không hề đơn giản, ông nhận định. Patriot là một hệ thống có tính cơ động cao (không mất quá 25 phút để triển khai/thu hồi). Điều này có nghĩa là hệ thống không đứng một chỗ trong thời gian dài. Sau vài lần phóng tên lửa, nó có thể sẽ di chuyển sang vị trí mới và việc rà tìm Patriot thật sự là một nhiệm vụ “khó nhằn".
Theo cựu Đại tá, đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, quân đội Nga có thể sử dụng tên lửa chống radar loại X-31P, tên lửa không đối đất dẫn đường như X-29T, X-38Mxx, X-59MK... bom rơi (loại OFAB-250-270 và FAB-500) để nhắm mục tiêu và phá huỷ nó. Đây có thể là một phương án đối phó mà Nga có thể cân nhắc khi đối mặt với các hệ thống này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin