Thế giới

Đột kích toàn quốc ở Đức vì âm mưu đảo chính do một "hoàng tử" cầm đầu

08:08, 26/03/2023
Một mạng lưới cực đoan chưa từng thấy ở Đức đang bị phơi bày ra ánh sáng khi cảnh sát thực hiện các cuộc đột kích toàn quốc nhắm vào những kẻ âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ.
 

Phong trào Reichsbürger, hay “công dân đế chế”, được tạo nên từ các nhóm nhỏ và cá nhân trải rộng trên khắp nước Đức. Họ có những quan điểm kỳ lạ, phủ nhận tính hợp pháp của nhà nước Đức hiện đại, theo CNN.

Tháng 12/2022, 25 người đã bị bắt giữ vì âm mưu tấn công tòa nhà quốc hội Đức và lật đổ trật tự hiến pháp. Họ muốn đưa vị quý tộc hoàng thân Heinrich XIII Prinz Reuss lên vị trí lãnh đạo đất nước.

Các cuộc đột kích liên quan đến phong trào Reichsbürger vẫn được tiếp tục. Quan chức Đức ngày 23/3 cho biết một người nghi ngờ là thành viên tổ chức đã bị bắt giữ sau khi một cảnh sát bị bắn vào ngày 22/3.

“Vụ nổ súng cho thấy các nhiệm vụ nguy hiểm như thế nào. Nhiệm vụ của chính quyền là giải tán Reichsbürger”, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann nói.

Phong trào Reichsbürger là gì?

Những người ủng hộ phong trào có một loạt niềm tin kỳ lạ, bao gồm cả việc cho rằng Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia bất hợp pháp, không thể tồn tại theo luật pháp quốc tế.

Một số người tin rằng Đế quốc Đức năm 1871 vẫn tồn tại. Những người khác lại muốn khôi phục Đệ tam Đế chế phát xít của Adolf Hitler.

Thành viên của phong trào thường có hệ tư tưởng cánh hữu, dân túy, bài Do Thái và phát xít.

“Công dân đế chế” mơ rằng hiến pháp Đế chế Đức xưa còn giá trị. Vì vậy, họ yêu cầu chắt của Wilhelm II, người đã thoái vị vào năm 1918, lên ngôi.

Werner Patzelt, một nhà khoa học chính trị và cựu giáo sư tại Đại học Công nghệ Dresden, cho rằng Reichsbürger không phải là một “phong trào”. Nó trên thực tế là “một mạng lưới lỏng lẻo kết hợp những người kém hiểu biết về chính trị, tin rằng hoặc hành xử như thể Cộng hòa Liên bang Đức không tồn tại”.

“Họ tuyên bố rằng Đức vẫn là một quốc gia bị chiếm đóng dưới sự kiểm soát của Mỹ, hoặc một doanh nghiệp đăng ký tại Frankfurt. Từ những điều hư cấu như vậy, họ cho mình “quyền” không phải nộp thuế, tiền phạt, hoặc tự thiết lập các cơ quan chính trị lâm thời”, ông nói với CNN.

Cảnh sát khám xét một chiếc ôtô tại khu vực bắt giữ những nghi phạm âm mưu đảo chính. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát khám xét một chiếc ôtô tại khu vực bắt giữ những nghi phạm âm mưu đảo chính. Ảnh: Reuters.

“Phần lớn những người ủng hộ phong trào này giống như diễn viên kịch hài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự kém cỏi về chính trị có thể đi đôi với khả năng phạm tội. Nó dẫn đến các cuộc tấn công nhắm vào viên chức hoặc cảnh sát”, ông nhận xét thêm.

Nhiều người ủng hộ phong trào từ chối hợp tác với nhà nước Đức bằng cách không nộp thuế, tự in tiền và chứng minh thư.

“Bạn gặp người theo phong trào này ở mọi tầng lớp xã hội. Tôi đã gặp nhiều kiểu người, có nha sĩ, có người làm tại cơ quan thuế. Một số người không biết họ đang bước vào điều gì”, Tobias Ginsburg, một nhà báo người Đức bí mật đưa tin về Reichsbürger, cho biết.

Ông cho rằng chính quyền can thiệp âm mưu đảo chính năm ngoái chỉ là một bước rất nhỏ trong quá trình giải quyết chủ nghĩa cực đoan cực hữu ở Đức.

“Phần lớn dân số Đức nhận thức rằng Reichsbürger là những kẻ xấu xa hoặc những người già, hoặc một hoàng tử kỳ quặc. Ai cũng thắc mắc rằng liệu họ có chút khả năng thành công nào không”, ông Ginsburg nói.

Thành viên hoàng gia liên quan đến phong trào là hoàng thân Heinrich XIII, năm nay 71 tuổi. Ông bị cáo buộc là một trong những kẻ cầm đầu phong trào.

Hoàng tử Heinrich XIII của nhà Reuss là hậu duệ của gia đình quý tộc 700 năm tuổi từng trị vì một khu vực phía đông nước Đức. Ông từng làm việc với tư cách là một nhà môi giới bất động sản cao cấp.

“Chúng ta cần hiểu vấn đề không phải cái gọi là Reichsbürger, mà là hệ tư tưởng cực hữu khiến người dân tự hành động theo niềm tin của mình”, ông Ginsburg nói.

Sự nguy hiểm khôn lường

Chính phủ Đức ghi nhận khoảng 23.000 cá nhân ít nhiều có cảm tình, ủng hộ thụ động hoặc tích cực tham gia phong trào Reichsbürger, tăng từ con số 19.000 vào năm 2019.

Trong số này, ước tính 1.250 người có liên quan đến lực lượng cực đoan cánh hữu. Ông Ginsburg nhận định rằng số liệu chính thức là chưa chính xác, bởi nhiều thành viên không công khai quan điểm.

Nhóm này trở nên nổi tiếng trong đại dịch Covid-19, khi các thuyết âm mưu ở Đức gia tăng đáng kể.

Cảnh sát phong tỏa khu vực bắt giữ những nghi phạm âm mưu đảo chính. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát phong tỏa khu vực bắt giữ những nghi phạm âm mưu đảo chính. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu được công bố bởi Mạng lưới toàn cầu về Chủ nghĩa cực đoan và Khủng bố cho biết nhiều thuyết âm mưu có liên quan đến các nhóm Reichsbürger và QAnon.

Các hệ tư tưởng của phong trào Reichsbürger cũng phổ biến trong những người không tin Covid-19 có thật và phản đối phong tỏa.

Phong trào “Querdenker” của những người phản đối biện pháp chống dịch đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quá khích chống lại chính phủ. Khi ấy, biểu tượng của Reichsbürger và QAnon luôn xuất hiện.

Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra một đánh giá về phong trào Reichsbürger, khẳng định những người ủng hộ “không hề vô hại”, mà là “những kẻ cực đoan nguy hiểm, bị thúc đẩy bởi những suy tưởng bạo lực và sở hữu nhiều vũ khí”.

Kho dự trữ vũ khí của phong trào này khiến các nhà chức trách đặc biệt lo ngại. Số liệu mới nhất cho thấy khoảng 400 thành viên sở hữu vũ khí. Kể từ năm 2016, 1.100 người đã bị thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí.

Khoảng 2.300 thành viên bị đánh giá là có khả năng bạo lực cao, tăng 200 người so với năm 2021. Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) nhận định phong trào có số lượng thành viên đáng kể là cựu binh, bao gồm nhiều người xuất ngũ từ những đơn vị tinh nhuệ.

Ông Ginsburg gọi nhóm này là “cực kỳ nguy hiểm” và lo ngại rằng ý thức hệ cực đoan có thể lan rộng.

Cảnh sát khám xét khu vực xung quanh nơi bắt giữ nghi phạm âm mưu đảo chính. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát khám xét khu vực xung quanh nơi bắt giữ nghi phạm âm mưu đảo chính. Ảnh: Reuters.

“Nếu xem xét kỹ đảng cánh hữu AfD, chúng ta sẽ tìm thấy những liên kết với thuyết âm mưu của Reichsbürger. Nhiều đảng viên AfD ngồi trong quốc hội có tư tưởng cực hữu và có thể là thành viên của Reichsbürger”, ông Ginsburg nhận xét.

Để chống lại mối đe dọa này, ông cho rằng chính quyền Đức cần giải quyết thông qua quá trình giáo dục về chủ đề cực hữu tại các trường học.

“Chúng ta nói nhiều về cuộc chiến chống cực hữu và cái bóng của lịch sử. Nhưng giáo dục về tư tưởng phát xít, cách chúng lan rộng và cách ngăn chặn vẫn rất mơ hồ”, ông nói.

Chính phủ Đức khẳng định sẽ tiếp tục hành động cho đến khi đất nước thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan.

“Chúng tôi bảo vệ nền dân chủ bằng cách chống lại các mối đe dọa cực đoan. Chúng tôi sẽ tiếp tục với cách giải quyết cứng rắn cho đến khi hoàn toàn phơi bày và tiêu diệt hệ tư tưởng kiểu này”, Bộ Nội vụ Đức tuyên bố.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện