Ngày 9-9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí với tuyên bố chung được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ), theo tờ The Guardian.
Cam kết loạt mục tiêu tham vọng
Phát biểu tại phiên họp chiều 9-9 của hội nghị, ông Modi nói rằng ông “vừa nhận được tin vui rằng nhờ sự làm việc chăm chỉ”, hội nghị đã chính thức thông qua tuyên bố chung giữa các lãnh đạo G20.
Ông Amitabh Kant - đại diện của Ấn Độ tại G20 cho biết đã có “100% sự đồng thuận từ tất cả các nước” đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) trong phiên làm việc thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: AFP |
Tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề bao gồm thỏa thuận tài trợ khí hậu, nợ toàn cầu, cải cách các thể chế như Ngân hàng Thế giới và một “hiệp ước phát triển xanh” mới giữa các quốc gia thành viên.
Theo ông Kant, tuyên bố tại New Delhi là “tài liệu tham vọng nhất về hành động vì khí hậu” từ trước đến nay, với các cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 và tuyên bố rằng các nước đang phát triển sẽ cần được tài trợ 5.900 tỉ USD để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Về kinh tế, văn bản lưu ý rằng “các cuộc khủng hoảng chồng chất” đã đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn và kêu gọi các chính sách kinh tế vĩ mô phối hợp để hỗ trợ nền kinh tế thế giới. Tuyên bố cảnh báo rằng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế vẫn ở mức cao.
Tuyên bố của G-20 đã nhất trí về các biện pháp mở rộng cho vay của các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết các bước này có thể mang lại nguồn vốn bổ sung lên tới 200 tỉ USD trong thập niên tiếp theo.
Tuyên bố cũng phê chuẩn Liên minh châu Phi chính thức gia nhập G20.
Không lên án Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố G20 năm nay có ngôn ngữ dịu đi đáng kể so với tuyên bố năm 2022 tại Indonesia khi đề cập xung đột Nga-Ukraine. Tuyên bố G20 2023 tránh lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine, kêu gọi tất cả các quốc gia không sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ.
“Chúng tôi hoan nghênh tất cả các sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được” - theo tuyên bố của G20.
Ngày 9-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine - ông Oleg Nikolenko chỉ trích tuyên bố của G20, cho rằng tuyên bố “không có gì đáng tự hào”.
Trong khi đó, nhiều quốc gia bày tỏ sự ủng hộ với tuyên bố chung G20 năm nay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên sau hội nghị: “Đây là điều tốt và là một thành công sau một thời gian dài không chắc chắn là chúng ta có thể tiến xa đến mức này”.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết tuyên bố này có “ngôn ngữ rất mạnh mẽ về cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine”
“Tôi nghĩ đó là một kết quả tốt và mạnh mẽ” - ông Sunak nói thêm.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan gọi tuyên bố của G20 là một “cột mốc quan trọng” và nói rằng đó là “một cuộc bỏ phiếu tin tưởng rằng G20 có thể cùng nhau giải quyết một loạt vấn đề cấp bách”.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán của Nga tại G20 - bà Svetlana Lukash gọi nội dung về Ukraine trong tuyên bố là“cân bằng” và là kết quả của các cuộc đàm phán “rất khó khăn”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin