Ukraine nhận lô tiêm kích F-16 của Hà Lan
Đức là quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine, chỉ sau Mỹ. Trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga bước vào mùa đông khắc nghiệt lần thứ 3, hôm 11/10, Tổng thống Zelensky đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Theo đó, phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Olaf Scholz, Tổng thống Zelensky bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Berlin đối với Kiev. Ông Zelensky nhấn mạnh: "Hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, Ukraine mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột này”.
Ông Zelensky tới Berlin để tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Ukraine kỳ vọng rằng kế hoạch hòa bình của ông sẽ giúp kết thúc xung đột với Nga, chậm nhất là vào năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Zelensky mong muốn các nước phương Tây, trong đó có Đức, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Về phần mình, ông Olaf Scholz cam kết Đức và các đối tác Liên minh châu Âu (EU) sẽ chuyển thêm thiết bị quốc phòng trong năm 2024 và cung cấp gói viện trợ trị giá 4 tỷ euro của Berlin cho Ukraine vào năm 2025. "Chúng tôi sẽ không từ bỏ sự ủng hộ với Ukraine", ông Olaf Scholz tái khẳng định.
Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết thêm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết của việc tổ chức một hội nghị hòa bình có sự tham gia của Nga, nhưng khẳng định hòa bình chỉ có thể đạt được trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz từ chối chuyển hệ thống tên lửa tầm xa Taurus của Đức sang Ukraine, vì lo ngại leo thang căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo tại Berlin (Đức) hôm 11/10 - Ảnh: Reuters |
Được biết, trước Berlin, Tổng thống Zelensky đã đến London (Anh), Paris (Pháp) và Rome (Italia). Tại Anh, Tổng thống Ukraine đã gặp Tổng Thư ký NATO Mark Rutte và Thủ tướng Keir Starmer. Các bên đã thảo luận về việc liệu Ukraine có được sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga hay không, nhưng chốt lại rằng quyết định thuộc về từng đồng minh. Và đến nay, chưa có nước phương Tây nào chính thức đồng ý với đề nghị này.
Trước đó, phía Nga đã ra cảnh báo phủ đầu nếu phương Tây cởi trói vũ khí cho Ukraine. Cụ thể, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 8/10 nhấn mạnh, Moscow đang theo dõi chặt chẽ những thay đổi đang diễn ra trong chiến lược quân sự của phương Tây và thực hiện các bước nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng. "Bất kỳ bước đi nào liên quan đến việc cung cấp hệ thống vũ khí tầm xa sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và Nga đã chuẩn bị sẵn phản ứng thích hợp", ông Lavrov quả quyết.
Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ bị Moscow coi là do NATO trực tiếp tiến hành. Ông Putin tiết lộ, Moscow đang trong quá trình điều chỉnh học thuyết hạt nhân, hạ ngưỡng sử dụng hạt nhân. Theo đó, một cuộc tấn công tầm xa của Ukraine bằng vũ khí phương Tây sẽ bị coi là vượt lằn ranh đỏ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin