Thế giới

Ukraine “nín thở” chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

08:11, 03/11/2024
Khi người Mỹ bỏ phiếu bầu Tổng thống mới vào ngày 5/11, quyết định của họ sẽ gây tiếng vang trên toàn thế giới. Ukraine, quốc gia hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, tài chính và ngoại giao của Mỹ, có thể cảm nhận được những tác động này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, Mỹ đã cam kết hơn 56 tỷ USD cho Kiev chỉ riêng về hỗ trợ an ninh kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2/2022. Ngoài ra, hàng chục tỷ USD cho viện trợ tài chính và nhân đạo cũng được Mỹ phân bổ cho quốc gia Đông Âu.

"Tôi nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất sẽ thúc đẩy kết quả của cuộc chiến – và chắc chắn là những gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới, chính là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ", bà Ruth Deyermond, giảng viên cao cấp tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King’s College London, cho biết.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu "trên thực tế sẽ quyết định liệu Ukraine có tiếp tục được Mỹ hỗ trợ hay không, hoặc mức độ mà Mỹ hỗ trợ Ukraine", bà Deyermond nói với RFE/RL hôm 1/11. 

Binh lính Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: Getty Images
Binh lính Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: Getty Images

Cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và Phó Tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris đã bày tỏ lập trường rất khác nhau về việc ủng hộ Ukraine.

Bà Harris đã nói rằng bà sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ Ukraine của ông Biden. Trong khi đó, ông Trump đã đặt câu hỏi về sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho rằng châu Âu nên gánh vác phần lớn gánh nặng trong việc ủng hộ Kiev trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga và đã khiến tương lai của NATO trở nên mơ hồ.

Ông Trump đã từ chối bình luận về việc liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng hay không, và đã nhiều lần khẳng định rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt cuộc chiến một cách nhanh chóng – thậm chí trước khi nhậm chức vào tháng 1 năm sau.

"Trong khi chính quyền của bà Harris có thể sẽ tiếp tục hành động theo cách tương tự như chính quyền của ông Biden, và theo đó sẽ không có sự thay đổi đáng kể đối với Ukraine, nhưng ông Trump đã nói rất rõ ràng rằng ông muốn thấy giao tranh kết thúc nhanh chóng", bà Deyermond nói.

"Và chúng ta biết rằng một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại dài hạn của ông Trump, một trong số ít lập trường chính sách đối ngoại nhất quán mà vị chính trị gia này đã giữ kể từ trước khi đắc cử vào năm 2016 – như cách ông ấy nói là: Hòa thuận với Nga", bà Deyermond nói. "Vì vậy, ông ấy muốn thấy chiến sự kết thúc nhanh chóng".

Nhưng ông Trump đã nói rất ít về cách ông ấy sẽ làm để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Trong mọi trường hợp, người chiến thắng sẽ làm gì khi nắm quyền vẫn chưa chắc chắn, và có một số biến số có thể ảnh hưởng đến hành động của Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bày tỏ thất vọng khi dưới thời ông Biden, viện trợ quân sự của Mỹ đến quá chậm và có quá nhiều hạn chế.

Về phần mình, bà Harris vẫn chưa nói rõ liệu bà có tích cực hơn trong việc cung cấp viện trợ và nới lỏng các hạn chế hay không. Bà cũng chưa bình luận về những điểm quan trọng trong "kế hoạch chiến thắng" mà ông Zelensky gần đây đã trình bày với các nhà lãnh đạo phương Tây.

Một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến cách nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump hay bà Harris sẽ tác động thế nào đến Ukraine và cuộc xung đột là thành phần nội các.

Ngoài ra, một biến số khác là Quốc hội Mỹ. Trong khi các Tổng thống có ảnh hưởng lớn hơn đến chính sách đối ngoại, thì cơ quan lập pháp nắm giữ "hầu bao" của quốc gia và có thể buộc Nhà Trắng phải điều chỉnh lập trường về vấn đề hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.

Ông Charles Kupchan, một nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nói với RFE/RL rằng, Mỹ có khả năng sẽ thúc đẩy Ukraine tiến tới các cuộc đàm phán bất kể ai thắng cử, một phần là do cuộc chiến đang làm căng thẳng các nguồn lực của phương Tây.

"Tôi mong đợi năm 2025 sẽ là năm của ngoại giao. Tôi không tin rằng tình hình hiện nay sẽ tiếp diễn mãi", ông Kupchan nói.

“Chúng tôi phụ thuộc vào Mỹ”, bà Solomiia Bobrovska, một thành viên của đảng đối lập tại Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine), nói với tờ Foreign Policy hôm 31/10.

“Vấn đề là sẽ rất khó khăn đối với chúng tôi, bất kể ai được bầu. Nếu ông Trump được bầu, châu Âu sẽ phải làm nhiều hơn, hành động độc lập hơn. Nhưng ngay cả khi bà Harris trở thành Tổng thống, bà ấy sẽ tiếp tục chính sách của ông Biden là đưa ra quyết định chậm chạp, và đó không phải là giải pháp cho chúng tôi”, nhà lập pháp Ukraine nói.

KT

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện