Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 15/4, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 1.992.189 trường hợp, trong đó 126.066 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 467.207 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 210 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 68.252 ca mắc Covid-19 và 6.448 ca tử vong do Covid-19. Ảnh: Axios |
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 24.215 ca mắc và 2.284 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 611.156 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 25.924 trường hợp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/4 cho biết ông sẽ sớm công bố chi tiết và hướng dẫn về việc mở cửa trở lại nên kinh tế.
Nếu như trong một tuyên bố ngày 13/3, ông Trump khẳng định ông là người có quyền tuyệt đối trong việc quyết định khi nào các bang có thể mở cửa trở lại nền kinh tế thì tuyên bố ngày 14/4 đã có sự khác biệt. Ông nói rằng, các thống đốc sẽ quyết định kế hoạch riêng của mỗi bang.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 vượt mốc 172.000 sau khi ghi nhận thêm 2.442 trường hợp trong ngày 14/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 18.056 sau khi ghi nhận thêm 300 trường hợp trong ngày 14/4.
Từ đầu tuần này, Tây Ban Nha đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn thế, theo đó, những người không thể làm việc từ xa như các công nhân xây dựng hay những người làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất, được phép trở lại làm việc. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán ăn, quán bar và các cơ sở kinh doanh khác được coi là không thiết yếu vẫn tiếp tục đóng cửa.
Việc nới nới lỏng các biện pháp hạn chế đã khiến một số khu vực lo ngại. Tổng liên đoàn lao động (GTU) Tây Ban Nha đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của những người trở lại làm việc. GTU đã kêu gọi các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên của mình.
Italy ngày 14/4, nước này ghi nhận thêm 2.972 ca mắc mới và 602 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 162.488, trong đó có 21.067 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha nhưng là nước có số ca tử vong do dịch bệnh này cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Theo sắc lệnh do Thủ tướng Giuseppe Conte phê chuẩn, từ ngày 14/4, một số cửa hàng và doanh nghiệp tại Italy được phép hoạt động trở lại.
Những cửa hàng được phép mở cửa trở lại bao gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em. Tuy nhiên, một số khu vực quyết định trì hoãn việc nới lỏng các hạn chế.
Sắc lệnh mới của chính phủ yêu cầu bất cứ địa điểm nào mở cửa trở lại đều phải tôn trọng các quy tắc, như để sẵn nước rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trong không gian kín và những khu vực không thể đảm bảo khoảng cách an toàn, sử dụng găng tay dùng một lần khi mua đồ ăn và thức uống.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 14/4 là 143.303 sau khi ghi nhận thêm 6.524 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 762, nâng tổng số ca tử vong lên 15.729.
Số ca mắc Covid-19 tại Đức đã vượt mốc 130.000 trường hợp. Cụ thể, ngày 14/4 nước này gi nhận thêm 1.287 ca mắc mới và 100 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Đức hiện tại là 131.359 trong đó có 3.294 ca tử vong.
Chính quyền Đức vẫn cảnh giác với việc dỡ bỏ các hạn chế, đồng thời kêu gọi người dân chờ đợi và duy trì việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Trong bản khuyến nghị gửi tới Thủ tướng Angela Merkel và thống đốc các bang tại Đức ngày 13/4, giới nghiên cứu của nước này cho rằng, các hoạt động xã hội có thể dần trở lại bình thường nếu một số tiêu chí được đáp ứng, trong đó có tỷ lệ lây nhiễm duy trì ổn định ở mức thấp.
Anh cũng thêm 5.252 ca mắc và 778 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 14/4. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 93.873 trường hợp, trong đó 12.107 ca tử vong.
Bên cạnh các tổn thất về người, đại dịch Covid-19 cũng gây ra tổn thất kinh tế lớn cho nước Anh. Văn phòng trách nhiệm Ngân sách (OBR) Anh dự báo, trong quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ sụt giảm đến 35% do hầu hết các hoạt động kinh tế đều bị tê liệt do lệnh phong toả. Tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, lên mức 10%. Trong kịch bản tệ nhất, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Anh có thể sụt giảm tới 13%, mức giảm nghiêm trọng nhất với nước này trong vòng 300 năm qua. Thâm hụt ngân sách cũng có thể sẽ ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới 2.
Tại Iran, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 74.877 sau khi ghi nhận thêm 1.574 trường hợp trong ngày 14/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 4.684 trường hợp.
Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 2.774 ca mắc và 22 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 21.102 trường hợp, trong đó 170 trường hợp tử vong.
Theo Cơ quan giám sát và bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), số ca bị mắc Covid-19 không có triệu chứng rõ ràng chiếm 30% trong tổng số hơn 21.000 ca mắc tại Nga hiện nay. Nếu vào đầu tháng 3, con số này chỉ có khoảng 10%, thì hiện nay ở một số vùng tăng đột biến, như tại Moscow, con số này chiến hơn một nửa (52%) tổng số ca mắc. Việc tiến hành xét nghiệm rộng rãi đối với người dân, kể cả người nghi mắc và người khoẻ mạnh là lý do khiến tỷ lệ người mắc Covid-19 không có triệu chứng gia tăng.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.249 trường hợp, trong đó có 3.341 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là các ca nhập cảnh.
Số ca mắc Covid-19 tại các nước châu Á khác vẫn tiếp tục tăng.
Ấn Độ và Hàn Quốc là hai nước có trên 10.000 ca mắc Covid-19, với con số lần lượt là 11.478 và 10.564.
Trong khi đó, Philippines hiện đã có 5.223 ca mắc, trong đó có 335 ca tử vong. Các con số này ở Malaysia lần lượt là 4.987 và 82, ở Indonesia là 4.839 và 459, ở Singapore là 3.252 và 10./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin