Tin tức

Hết ngày 2/4, toàn khối ASEAN có trên 340 người tử vong; Thái Lan áp lệnh giới nghiêm toàn quốc

08:53, 03/04/2020
Tính tới hết ngày 2/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng gần 11.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 348 ca tử vong. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia.

Tính tới rạng sáng 3/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tổng cộng 10.964 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 812 ca mới.

Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm này đã tăng lên 348, nhiều hơn 33 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 1.785 người đã được điều trị thành công và xuất viện.

 
 

Thái Lan giới nghiêm toàn quốc

Thái Lan đã ghi nhận 1.875 ca mắc bệnh COVID-19 và 15 ca tử vong. Riêng trong ngày 2/4, Thái Lan đã có thêm 104 người dương tính với virus SARS-CoV-2.

 
Biển thông tin về dịch COVID-19 trên một đường phố ở Bangkok, Thái Lan. 

Phát biểu trên truyền hình chiều 2/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố áp lệnh giới nghiêm toàn quốc để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22h ngày 3/4 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Theo đó, người dân bị cấm ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian từ 22h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau, trừ đội ngũ y tế và những người có chức trách quan trọng. Ông Prayut cho biết chính phủ nước này đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm và dịch vụ cho tất cả người dân Thái, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các cửa hàng, dân buôn hoặc người dân cố tình lợi dụng tình hình để trục lợi.

 
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan 

Theo Điều 18 của Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp, người vi phạm quy định này sẽ phải đối mặt với hình phạt không quá 2 năm tù, hoặc phạt tiền không quá 40.000 bath (1.200 USD) hoặc phải chịu cả hai hình phạt. Quy định trên cũng nêu rõ nếu tỉnh nào có biện pháp mạnh hơn quy định của Chính phủ trung ương thì người dân ở khu vực đó phải tuân thủ quy định của địa phương.

Theo Thủ tướng Thái Lan, thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh cũng là lợi ích của công chúng. Để đảm bảo thông tin một cách đầy đủ, chính xác, chính phủ nước này đã thiết lập một trung tâm thông tin để phổ biến thông tin thống nhất thông qua các thông báo, phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình. Ông Prayut cũng khẳng định “những ai phát tán tin giả sẽ bị trừng trị theo pháp luật”.

Chính phủ Thái Lan cũng cấm nhập cảnh vào nước này, kể cả người Thái, trong 15 ngày từ ngày 2-15/4 để chuẩn bị các cơ sở cách ly sau khi nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 ở Thái Lan liên quan đến các ca bệnh đến từ nước ngoài.

Malaysia dẫn đầu Đông Nam Á về số ca mắc bệnh dù chưa tới đỉnh dịch

Trong 24h qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 208 ca COVID-19 và 5 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 3.116, trong đó có 50 người tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/4 dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại Malaysia có thể vào giữa tháng 4 khi mà đồ thị về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang chững lại đi ngang.

 
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia 

Người đứng đầu phái bộ và đại diện cho WHO tại Malaysia, Brunei và Singapore Ying-Ru Lo cho biết: "Dựa trên các số liệu sẵn có, WHO dự kiến đỉnh dịch tại Malaysia vào giữa tháng 4". Bà Ying-Ru Lo cho hay, số bệnh nhân nguy kịch được dự báo sẽ đạt đỉnh trong tuần tới.

Chính phủ nước này vừa thành lập Ủy ban Nội các Đặc biệt với nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế và thị trường lao động của nước này, vốn đang bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Ủy ban nói trên, do Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Mohamed Azmin Ali và Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob đồng lãnh đạo, là công cụ để chính phủ Malaysia cân bằng giữa các ưu tiên về kinh tế với việc thực thị Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), mệnh lệnh được ban hành và áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh song cũng đang gây ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tại nước này. 

 
Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn lây lan COVID-19 tại Manila, Philippines. 

Philipines trong ngày 2/4 ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỷ lục tính theo ngày và cao nhất khu vực, với 322 trường hợp.

Tính tới rạng sáng 3/4, Philippines đã có tổng cộng 2.633 người nhiễm chủng virus này, trong đó  107 người tử vong.

Tại Indonesia, "quốc gia vạn đảo" đã ghi nhận tổng cộng 1.790 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 170 ca tử vong (13 ca mới so với ngày 1/4). Hiện dịch bệnh đã lây lan ra 32/34 tỉnh thành của quốc gia Đông Nam Á này.

Chính phủ Indonesia cho biết sẽ sử dụng bộ xét nghiệm bệnh lao có sẵn tại hơn 132 bệnh viện và trung tâm y tế để xét nghiệm những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về các vấn đề liên quan đến COVID-19, ông Achmad Yurianto cho hay chính phủ sẽ bắt đầu đặt hàng các bộ test nhanh phân tử vốn được sử dụng để phát hiện vi khuẩn lao để xét nghiệm SARS-CoV-2.

 
Cảnh sát phát khẩu trang miễn phí cho người dân nhằm phòng tránh lây lan COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. 

Ứng dụng này chắc chắn sẽ không dễ dàng do phải thay đổi cài đặt máy xét nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị các bộ test. Tuy nhiên, giới chức y tế Indonesia lạc quan rằng có thể tiến hành các xét nghiệm mới ngay trong tuần này.

Việc sử dụng bộ xét nghiệm bệnh lao có thể rút ngắn thời gian mang mẫu bệnh phẩm từ bệnh viện đến các phòng xét nghiệm. Ngoài ra, xét nghiệm sử dụng phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR) cũng chính xác hơn so với xét nghiệm nhanh.

Quyết định sử dụng bộ test bệnh lao cho SARS-CoV-2 được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Hô hấp Indonesia (PDPI). Các bộ test lao này do Công ty Chẩn đoán phân tử Cepheid của Mỹ sản xuất. Mới đây, công nghệ này cũng được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2 tại nước này.

Ngày 2/4, khu vực ASEAN chứng kiến tình hình dịch diễn biến xấu tại bốn nước Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia, trong khi các nước thành viên còn lại dường như đang khống chế tốt dịch bệnh và không tăng về số nạn nhân.

Tại Campuchia, Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã thông báo biện pháp hỗ trợ lương tối thiểu cho người lao động làm việc trong ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Báo Khmer Times sáng 2/4 dẫn thông cáo của Chính phủ Campuchia cho hay chính phủ sẽ hỗ trợ 20% lương tối thiểu cho lao động làm việc trong ngành du lịch nước này. Những người được nhận hỗ trợ tài chính là những lao động phải tạm nghỉ việc ở khách sạn, nhà khách, nhà hàng và các hãng lữ hành. Những lao động này cũng được yêu cầu tham gia khóa tập huấn ngắn hạn của Bộ Du lịch và các khoản thanh toán cho lao động trong ngành du lịch được trả qua Quỹ An sinh xã hội quốc gia.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Chính phủ Campuchia sẽ miễn thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch ở các thành phố như Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville, Kep, Kampot, Bavet và Poipet cho đến tháng 5.

Trong báo cáo kinh tế cập nhật mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế thực tế của Campuchia có thể chỉ đạt khoảng 2,5% năm nay do tác động của đại dịch COVID-19.

Ngày 2/4, Campuchia chỉ ghi nhận 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số lên 110 ca.

Trong khi đó, Myanmar ngày 2/4 đã xác nhận thêm 4 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca lên 20.

Tình hình dịch COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN khác như Lào hay Timor Leste trong ngày không có biến động, không phát sinh ca mới và hiện lần lượt có số người mắc COVID-19 là 10 và 1. 

Theo Báo Tin tức

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện