Ảnh minh họa. |
Theo phóng viên tại Sydney, thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine phòng bệnh COVID-19 của Đại học Queensland trên động vật đã cho thấy những dấu hiệu khả quan khi vật chủ nâng cao được kháng thể, có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2.
Giáo sư Paul Young, đồng trưởng nhóm chương trình nghiên cứu vaccine, nhận định kết quả ban đầu này là minh chứng cho thấy hiệu quả của vaccine. Ông cho biết sức mạnh của phản ứng kháng thể do vaccine mang lại thậm chí còn tốt hơn so với những gì đã quan sát thấy trong các mẫu vật phẩm lấy từ chính các bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi.
Trong khi đó, Giáo sư Kanta Subbarao tại Viện Doherty, đơn vị đầu tiên tái tạo thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nhiệm bên ngoài Trung Quốc, khẳng định đây là phát hiện rất quan trọng vì các phản ứng miễn dịch với virus SARS-Cov-2 trên động vật sẽ xảy ra tương tự như với con người, giúp cơ thể có khả năng tự bảo vệ khỏi sự xâm nhập của virus.
Dự kiến các kết quả cuối cùng từ các xét nghiệm tiền lâm sàng sẽ được công bố vào đầu tháng 6, trước khi vaccine được chính thức đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người.
Chương trình nghiên cứu và phát triển vaccine chống COVID-19 đã được Đại học Queensland kết hợp với Viện Doherty thực hiện tại một cơ sở thí nghiệm an toàn sinh học của Hà Lan, với sự tham gia của công ty chuyên cung cấp các xét nghiệm lâm sàng quốc tế Viroclinics Xplore 4. Chương trình này là một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ căn bệnh COVID-19 do Liên minh Sáng kiến Phòng chống dịch (CEPI) khởi xướng.
Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới tham gia vào liên minh này với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trên động vật, trong đó vaccine đầu tiên do Công ty Công nghệ Sinh học Moderna của Mỹ phát triển đã gần hoàn tất quá trình thử nghiệm trên động vật và bước vào giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin