Góc nhìn: U23 Việt Nam hiện tại là thành quả của từ những thất bại
Quá nhiều thất bại trong hai đời HLV cũ đã hun đúc nên một U23 Việt Nam toàn diện như hiện tại.
U23 Việt Nam đã làm nên lịch sử tại Indonesia khi lần đầu tiên lọt vào tứ kết một kỳ ASIAD, điều mà biết bao thế hệ tài năng khác của chúng ta đã không làm được. Nhưng điều quan trọng, thành tích ấy không đến từ may mắn, hay mang tính bất ngờ nào cả, nó là thành quả của đẳng cấp và sự toàn diện của lứa cầu thủ "vàng" này. Đánh bại Nhật Bản hay Bahrain không còn khiến người hâm mộ quá phấn khích, bởi ai cũng nghĩ đó là lẽ tất yếu.
HLV Miura luôn chú trọng đến thể lực. |
Để có được sự toàn diện đó như ngày hôm nay, điểm khởi đầu chính là HLV Toshiya Miura. Mỗi đời HLV Việt Nam trước đây đều có tư tưởng cùng cách làm việc riêng nhưng phải nói Miura là người đầu tiên tạo ra một đội tuyển của riêng ông, không lẫn vào đâu được trong quá khứ, dẫu nó vẫn chịu nhiều chỉ trích.
Lối chơi dưới thời Miura được đánh giá khá nhàm chán và kém thuyết phục, chủ yếu là bóng dài cùng những quả tạt, đó là nguyên nhân vì sao ông bị phản đối, công kích. Để phục vụ cho ý đồ đó, Miura sử dụng mẫu cầu thủ cơ bắp, giàu sức chiến đấu. Cặp tiền vệ ưa thích của ông thầy Nhật Bản tại U23 Việt Nam trước đây là Huy Hùng và Duy Mạnh, hai cầu thủ có xu hướng phòng ngự.
Trong khi HLV Hữu Thắng lại thích lối đá kỹ thuật hơn. |
Dưới thời Miura, Việt Nam vẫn có một số thành tích nhất định, nếu không muốn nói là hơn hẳn 2 đời HLV trước là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc. Tuy nhiên, chính lối đá quá thiên về sức mạnh của ông đã làm phật ý Liên đoàn cũng như người hâm mộ. Ông ra đi và lãnh đạo Việt Nam quyết định thay đổi chiến lược chọn thuyền trưởng. Bây giờ thứ họ muốn là một ĐT Việt Nam "đẹp mắt" hơn với những con người mà Miura từng gạt bỏ như Xuân Trường, Tuấn Anh,...
Hữu Thắng được mời về vì ông đáp ứng được tiêu chí trên: Ban bật nhỏ, kỹ thuật và đẹp mắt. Ấy vậy nó lại là mồ chôn của cả một "thế hệ Vàng". Quá nhiều cầu thủ giàu phẩm chất kỹ thuật trên sân khiến cho sức mạnh của U23 Việt Nam gần như không có, và nếu nói theo cách mà Zinedine Zidane đáp trả Florentino Perez trong quá khứ thì "Hữu Thắng dát vàng chiếc Bentley để làm gì khi không cho nói một cái động cơ?"
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cả hai HLV trên đều có đóng góp ít nhiều để tạo ra một U23 toàn diện như ngày hôm nay. Miura gạt Xuân Trường ra vì tiền vệ này quá mỏng cơm, tranh chấp yếu, điều này buộc Trường phải thay đổi. Để giờ đây chúng ta có một nhạc trưởng ở giữa sân, chuyền giỏi mà tắc bóng cũng tài. Nhờ ông mà thể lực các cầu thủ được cải thiện. Dưới thời Miura, chúng ta đã có được khái niệm về HLV thể lực ở ĐTQG.
HLV Park Hang-seo là người dung hòa cả hai điều trên. |
Với Hữu Thắng, có lẽ thầy Park nên cảm ơn ông vì đã tạo ra một trung vệ xuất sắc là Đỗ Duy Mạnh. Chính HLV người Nghệ An đã kéo cầu thủ CLB Hà Nội từ vị trí sở trường là tiền vệ trung tâm để án ngữ ngay trước khung thành, để anh nhận ra đâu mới là nơi mình thuộc về.
U23 Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo có cả những điểm mạnh của Miura lẫn Hữu Thắng, từ kỹ thuật đến thể lực, sức vóc và quan trọng nhất là các yếu tố trên kết hợp vào nhau tạo ra hiệu quả. Không còn sự mong manh như thất bại trước người Thái ở SEA Games 29 nữa, U23 Việt Nam giờ đây đã lột xác hoàn toàn, và nó là thành quả từ bài học trong quá khứ.
Theo Bóng đá