Tiêu chảy do kháng sinh, xử trí thế nào?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy, có thể do vi khuẩn, do virut, do nhiễm ký sinh trùng nhưng cũng có thể do dùng kháng sinh. Đây là một tác dụng phụ không mong muốn thường gặp khi dùng loại thuốc này.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh thường nhẹ và tự hết khi bạn ngưng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, có một loại tiêu chảy nặng xảy ra gọi là viêm ruột màng giả, cần phải xét nghiệm để phân biệt và có biện pháp điều trị.
Vì sao kháng sinh gây tiêu chảy?
Bình thường trong đường ruột luôn tồn tại một quần thể vi khuẩn lành tính với nhiều loài khác nhau. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở thế cân bằng, nhằm tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ các chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.
Kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp nhất cũng có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Kháng sinh có nhiều nhóm khác nhau, trong mỗi nhóm có nhiều loại biệt dược, vì vậy khi muốn sử dụng một loại kháng sinh nào đó người thầy thuốc phải biết được kháng sinh đó thuộc nhóm nào, nhất là khi muốn kết hợp kháng sinh.
Khi sử dụng một hoặc nhiều loại kháng sinh mạnh có tác dụng lên nhiều loại vi khuẩn, với liều cao và kéo dài, thì các loài vi khuẩn lành tính nói trên cũng bị kháng sinh tiêu diệt, phá vỡ thế cân bằng gây ra hiện tượng loạn khuẩn, do đó thúc đẩy sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc mới xâm nhập, dẫn tới chứng tiêu chảy hoặc viêm ruột do kháng sinh.
Hầu hết bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây ra sự mất cân bằng vi khuẩn trong cơ thể, nhất là các kháng sinh phổ rộng hiện nay. Các loại kháng sinh hay gây tiêu chảy nhất là ampicillin, các cephalosporin, erythromycin và clindamycin.
Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và có lợi gây loạn khuẩn, tiêu chảy. |
Cách nhận biết
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh là nhẹ với biểu hiện chính là đi ngoài phân sống, phân lỏng nhiều lần trong ngày.
Trong một số trường hợp suy giảm miễn dịch, trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh lý nặng kèm theo, khi dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao, kéo dài có thể gây ra tình trạng tiêu chảy nặng hơn, được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Trong trường hợp này, các biểu hiện có thể gặp bao gồm: tiêu chảy, phân nhiều nước và có thể có máu; đau bụng; buồn nôn và nôn, sốt.
Làm thế nào để phân biệt được bị tiêu chảy do uống kháng sinh với bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn hay tiêu chảy do nhiễm virut?
Trong hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh là nhẹ, đặc biệt không có sốt, triệu chứng tự hết sau khi dùng kháng sinh; trong khi tiêu chảy do các nguyên nhân nhiễm khuẩn đều có sốt, mức độ tiêu chảy nặng hơn, kèm theo các biểu hiện tiêu hóa khác như nôn, đau bụng.
Tuy nhiên, với các trường hợp viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh, cần đưa trẻ đến bác sĩ và xét nghiệm phân để chẩn đoán phân biệt.
Điều trị thế nào?
Với các trường hợp gặp tiêu chảy do kháng sinh nhẹ, khi ngừng kháng sinh đang sử dụng thì triệu chứng thuyên giảm rõ rệt hoặc có thể khỏi hẳn. Trong trường hợp loạn khuẩn mà vẫn phải sử dụng kháng sinh hoặc bị loạn khuẩn nặng thì phải điều trị hỗ trợ thêm các chế phẩm vi sinh có chứa probiotic và prebiotic có tác dụng cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, với các trường hợp kết hợp với các chế phẩm vi sinh mà không có hiệu quả cần tới gặp bác sĩ để thay thế bằng kháng sinh khác.
Trong trường hợp tiêu chảy nặng cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Một điểm cần chú ý không sử dụng men tiêu hóa trong các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh.
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch oserol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oserol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
Một điểm hết sức quan trọng nữa đó là trong khi bị tiêu chảy cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn nhiều bữa nhỏ.
Tự mua thuốc điều trị là tình trạng vẫn còn phổ biến trong cộng đồng. Chỉ cần có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc hơi sốt là người dân mua kháng sinh về dùng. Chính vì vậy, để hạn chế tác dụng không mong muốn của kháng sinh nói chung và loạn khuẩn ruột do kháng sinh gây ra nói riêng, trước hết cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị.
Theo Sức khỏe&Đời sống