Phải thắng Malaysia, nhưng không đơn giản
Lần giở lại những trang báo cũ từ 10 năm qua, trước các trận Việt Nam đối đầu với Malaysia, có thể nhận thấy một tâm trạng khá phổ biến: chúng ta luôn nghĩ có thể thắng được họ.
Xếp hạng bảng A:
Xếp hạng bảng B:
Lịch thi đấu và trực tiếp AFF Cup 2018. |
Sự tự tin này xuất phát từ việc đội tuyển Việt Nam chưa từng thua Malaysia trong các trận đấu ở vòng bảng Tiger Cup hay AFF Cup, nhưng đến khi đương đầu với họ ở các vòng knock-out thì hai lần gần nhất là thất bại cay đắng tại bán kết, trong đó có trận thua đến 2-4 ngay tại Mỹ Đình.
Không ai muốn điều tương tự sẽ lặp lại lần này, khi áp lực đang ở phía chúng ta, vì Việt Nam hiện mới được 3 điểm sau trận ra quân, trong khi Malaysia đã có 6 điểm từ 2 trận đầu toàn thắng trước các đối thủ yếu hơn trong bảng là Campuchia và Lào. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ còn cách chiến thắng để ngăn cản đối thủ trực tiếp trong bảng, trước khi bước vào một trận cầu sinh tử khác với Myanmar sau đó 4 ngày nhằm phân định thứ hạng.
Việc bố trí một lịch thi đấu như thế, theo hướng Việt Nam đá trận đầu và nghỉ 8 ngày trước khi đối đầu với đối thủ đã chơi 2 trận cũng trong khoảng thời gian đó rõ ràng không phải là điều thuận lợi trên nhiều khía cạnh, từ nhịp độ thi đấu, vấn đề điểm số cho tới câu chuyện về áp lực tâm lý sẵn có. Ngay cả khi Malaysia đã thắng chật vật Campuchia và chỉ có thể vượt qua một đội tuyển Lào đóng chặt khung thành bằng hai bàn thắng ở những phút cuối, khi đối phương đã mệt lử, thì điều đó cũng không nói lên rằng, họ bất lực hoặc họ không mạnh bằng chúng ta.
Liệu trong bối cảnh ấy, các chàng trai của ông Park Hang Seo có vượt qua được các áp lực để sau đó vượt qua một đối thủ đến Hà Nội với mục tiêu cố gắng kiếm được ít nhất 1 trận hoà, nghĩa là họ sẽ áp dụng một thế trận thực dụng nhằm kìm hãm và phá lối chơi của Việt Nam, sẵn sàng đá rát, đồng thời dựa vào đó để chơi phản công? Và Việt Nam, vốn trước nay quen chơi phòng ngự phản công, giờ phải tấn công ở thế cửa trên, ở một cầu trường nóng bỏng đông nghẹt khán giả và trong áp lực từ sự kì vọng, sẽ như thế nào?
Đấy là những câu hỏi được đặt ra trước cuộc thư hùng quan trọng tối thứ Sáu này trên sân Mỹ Đình, mà ở đó, kết quả của trận đấu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngôi thứ (và cũng từ đó suy ra đối thủ ở bán kết) của chúng ta. Đương nhiên, Malaysia không phải không có vấn đề, chẳng hạn họ thiếu một tiền vệ kinh nghiệm có vai trò quán xuyến việc tổ chức lối chơi và luôn dựa quá nhiều vào lão tướng Talahan, nhưng khả năng tranh chấp tay đôi và chơi áp sát của đội bóng có nòng cốt cũng U23 đã rất thành công trong năm 2018 này có thể ít nhiều ngăn cản tổ chức lối chơi ở tuyến giữa của Việt Nam.
Sẽ có một kịch bản giật gân theo hướng ông Park đã chuẩn bị như thế này: Việt Nam sẽ ào lên tấn công phủ đầu nhằm có bàn thắng trước để tạo lợi thế tâm lý, và rồi phần sau trận đấu sẽ là cuộc chiến không khoan nhượng của cả hai bên để tác động vào kết quả? Hay một kịch bản khác, chúng ta sẽ thắng một cách khó nhọc như ở vòng bảng các năm 1998 và 2016, với những bàn thắng duy nhất được ghi trong 10 phút cuối cùng?
Và điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi chuyện không diễn ra như dự kiến, khi đối phương sút tung lưới chúng ta trước? Một điều chắc chắn, khi trái bóng chưa lăn, dự đoán chỉ là dự đoán và trong trại quân, ông Park đang chuẩn bị một cách tốt nhất cho trận đấu, với các phương án chiến thuật và nhân sự của mình. Có một điều chắc chắn, đấy là một trận đấu không đơn giản, và trước tiên, muốn thắng, đừng nên ảo tưởng sức mạnh của mình sau những thành công của đội tuyển U23.
Kết quả các trận đấu đã qua của AFF Cup năm nay cho thấy giải đấu ẩn chứa không ít bất ngờ, nhất là từ các đội bóng được đánh giá yếu hơn, hoặc đúng hơn, cửa dưới. Các đội bóng mang nét đá châu Âu như Singapore và đặc biệt là hiện tượng Philippines đang gây chú ý nhờ lối đá khoa học và bài bản dựa trên thể hình và bóng dài, bóng bổng. Malaysia không giống họ, nhưng có một tập thể rất gắn kết dựa trên nền tảng của cách chơi giàu thể lực và không ngại va chạm. Và họ chính là vật ngáng đường lớn nhất với chúng ta lúc này. Phải thắng, nhưng bằng cách nào?
Theo Thể thao&Văn hoá