Thể thao

V.League trở lại thời kỳ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền"

10:13, 21/12/2020
Đầu thập niên 2010, nhiều ông bầu sẵn sàng chi đậm để V.League đón hàng loạt các bản hợp đồng đình đám. Bẵng đi một thời gian, người ta thấy một V.League cầm chừng, thắt lưng buộc bụng. Nhưng đầu thập niên 2020, mọi thứ bắt đầu có chuyển biến mới.

Nhiều đội bóng bạo chi 

Theo tiết lộ của lãnh đạo CLB TP.HCM, hơn 11 tỷ đồng là số tiền lương mà cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn nhận được khi đồng ý thi đấu cho đội bóng này tại V.League 2021. Dựa trên tối đa số trận mà CLB TP.HCM sẽ chơi ở mùa giải tới (22 trận) thì mỗi lần Lee Nguyễn ra sân, đội bóng Sài thành phải trả cho cầu thủ này hơn nửa tỷ đồng. Nhưng đâu chỉ có Lee Nguyễn. 

CLB TP.HCM còn trở thành đội bóng trả lương cao nhất cho một HLV tại V.League 2021. Alexandre Mano Polking, vị HLV ngoại thứ 4 chỉ trong 5 năm của CLB TP.HCM nhận lương xấp xỉ 700 triệu đồng/tháng. Cũng có nghĩa, chỉ riêng với hai thương vụ này, CLB TP.HCM đã phải chi tới gần 20 tỷ đồng tiền lương trong một mùa giải. Một con số đủ cho thấy đội bóng Sài thành chịu chơi và chịu chi như thế nào. 

HLV Polking nhận khoảng 700 triệu đồng/tháng khi đồng ý dẫn dắt CLB TP.HCM
HLV Polking nhận khoảng 700 triệu đồng/tháng khi đồng ý dẫn dắt CLB TP.HCM

Nhưng không chỉ có mỗi CLB TP.HCM sẵn sàng đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng trước mùa bóng mới. HAGL của bầu Đức cũng không ngần ngại đồng ý mức lương 600 triệu đồng/tháng để đưa Kiatisak Senamuang trở lại Pleiku lần thứ 3 trong gần 20 năm. Nên nhớ, con số này nhiều gấp 5 lần so với đề nghị mà HAGL gửi tới HLV Phan Thanh Hùng trước đó.

Đông Á Thanh Hóa cũng đưa một HLV đình đám là Ljupko Petrovic trở lại Việt Nam. Chưa rõ số tiền mà đội bóng xứ Thanh chi ra cho ông Petrovic, nhưng chắc chắn nó không thấp hơn mức 400 triệu đồng/tháng mà ông từng nhận được cách đây 3 năm, khi giúp Thanh Hóa giành ngôi á quân V.League 2017 đầy thuyết phục. 

Tân binh đua vũ trang 

Đương nhiên, trong cuộc chiến chiêu binh mãi mã, những đội bóng lớn và giàu có như Hà Nội FC hay Viettel không thể đứng ngoài. Việc cả hai cùng sớm “chốt đơn” hai ngoại binh thuộc diện hay nhất V.League trong 2 năm trở lại đây là Geovane Magno (Hà Nội FC) và Pedro Paulo (Viettel) càng khẳng định tham vọng ganh đua ngôi vô địch của hai ông lớn này. 

Nhưng điều người ta cảm thấy hứng thú không phải là cách mua cầu thủ khôn ngoan và vung tiền đúng chỗ của Hà Nội FC hay Viettel, mà đến từ lính mới Bình Định. Trở lại V.League sau 12 năm vắng bóng, Bình Định dưới sự chống lưng của một tập đoàn giàu có đang nâng cấp toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ sân bãi, cơ sở vật chất đến đào tạo trẻ.

Riêng với đội 1, Bình Định đã hoàn thành quá trình “V.League hóa”. Với những cái tên như Ahn Byung Keon, Dương Thanh Hào, Hồ Tấn Tài, Rimario, Roland Alberg…, Bình Định không những sớm đẩy trình độ từ hạng Nhất lên đẳng cấp V.League, mà so với nhiều CLB tầm trung khác như DNH Nam Định, SLNA, Hải Phòng hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thì đoàn quân của HLV Nguyễn Đức Thắng còn mạnh hơn khá nhiều. 

Tân binh Bình Định không tiếc tiền chiêu mộ những cầu thủ nổi tiếng như Hồ Tấn Tài
Tân binh Bình Định không tiếc tiền chiêu mộ những cầu thủ nổi tiếng như Hồ Tấn Tài

Đã lâu rồi người ta mới thấy V.League có nhiều cái tên đình đám. Cũng lâu rồi người hâm mộ mới được chứng kiến nhiều đội bóng sẵn sàng chi đậm mang về những ngôi sao để kéo khán giả đến sân xem bóng đá đỉnh cao. 

V.League 2021 thực sự đáng được chờ đợi, không chỉ ở cuộc đua vô địch hay tranh vé trụ hạng, mà còn là sự hiện diện của nhiều ngôi sao lớn đã khẳng định được danh tiếng, từ cabin huấn luyện cho đến trên sân cỏ. 

Theo Bóng đá Plus

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện