Thể thao

Cầu thủ phải xóa mạng xã hội, bóng đá nữ sắp biến mất ở Afghanistan

07:15, 20/08/2021
Luật lệ hà khắc của Taliban có thể khiến nền thể thao nước này bị hạn chế hoặc xóa sổ, đặc biệt là những môn thể thao có sự tham gia nữ giới.

"Tôi không ngủ được. Tôi bật khóc và cảm thấy tuyệt vọng", Khalida Popal, cựu nữ tuyển thủ Afghanistan vẫn chưa tin nổi vào những gì xảy ra trước mắt cô.

Cựu tuyển thủ Khalida Popal lo ngại cho tương lai của bóng đá nữ Afghanistan. 
Cựu tuyển thủ Khalida Popal lo ngại cho tương lai của bóng đá nữ Afghanistan. 

Sau 20 năm, Taliban đã trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Theo Popal, chế độ cai trị hà khắc của Taliban có thể tác động tiêu cực đến viễn cảnh tương lai của phụ nữ, ảnh hưởng trực tiếp đến nền bóng đá nữ non trẻ của quốc gia này. 

Nỗi buồn bóng đá nữ 

Popal là giám đốc kỹ thuật của đội tuyển nữ Afghanistan. Cô đang sinh sống tại Đan Mạch từ khi rời Afghanistan năm 2011 và xin tị nạn vào năm 2016. Popal chỉ có thể liên hệ với các cầu thủ nữ qua tin nhắn. 

"Tôi nhận được những tin nhắn của các nữ tuyển thủ Afghanistan. Họ đang bật khóc, nói rằng mình bị bỏ rơi, mắc kẹt ở nhà và không thể thoát ra ngoài. Họ sợ hãi. Mọi thứ cứ như một giấc mơ. Không, nói đúng hơn thì đó là cơn ác mộng.

Các cầu thủ gửi video của họ và nói rằng 'những người tôi từng đề cập đến đang ở ngoài cửa nhà tôi. Tôi không thể thở được. Tôi rất sợ và không nhìn thấy sự bảo vệ'. Mọi thứ có lẽ kết thúc rồi", Popal nói với BBC. 

Popal là một trong những người đầu tiên góp sức thành lập đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan vào năm 2007. Dù phải tập luyện bí mật để tránh khỏi tầm kiểm soát của Taliban, nhưng Popal và các đồng đội sớm nhận ra bóng đá có thể là cơ hội để họ tạo ra sự khác biệt và truyền cảm hứng cho thế hệ nữ vận động viên kế cận của đất nước. 

Cựu tuyển thủ Khalida Popal lo ngại cho tương lai của bóng đá nữ Afghanistan. 
Đội tuyển nữ Afghanistan. 

Các cầu thủ bị buộc tội làm mất niềm tin vào tôn giáo (vốn không cởi mở với thể thao), nhưng các cầu thủ nữ biết họ không làm gì sai. Popal cùng đồng đội đã thành lập đội tuyển quốc gia để tham dự các sân chơi lớn.

Trận đấu đầu tiên của đội nữ Afghanistan là cuộc so tài với Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế tại Sân vận động Ghazi ở Kabul trong năm 2007. Afghanistan thắng giòn giã 5-0 trong trận đấu Popal mang băng thủ quân. Kể từ thời điểm này, đội nữ Afghanistan bắt đầu tham gia các trận đấu quốc tế.

"Tôi nhớ rằng chúng tôi đã dự một giải quốc tế. Các nữ tuyển thủ đứng dưới lá cờ Afghanistan, nghe quốc ca và tất cả đều trào nước mắt. Được ra sân thi đấu đã là thành tích tuyệt vời với các nữ cầu thủ Afghanistan", Popal trả lời phỏng vấn BBC vào năm 2017.

Sau khi Taliban bao vây thủ đô Kabul và tiếp cận thành công Dinh Tổng thống, Popal đã đóng tài khoản mạng xã hội của đội tuyển quốc gia để bảo vệ các cầu thủ. Cô lo sợ danh tính các nữ tuyển thủ bị phát hiện và truy lùng. Theo giám đốc đội nữ, các cầu thủ cũng cần xóa các tài khoản mạng xã hội của mình.  

Popal muốn đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ Afghanistan. 
Popal muốn đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ Afghanistan. 

"Chúng tôi từng khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan đứng lên và can đảm, và bây giờ tôi yêu cầu họ gỡ ảnh xuống, đóng tài khoản mạng xã hội và cố gắng tắt tiếng nói của mình. Điều này quá đau đớn.

Các cầu thủ đã lên tiếng, đứng lên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Lúc này tính mạng của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng", Popal chia sẻ. 

Cựu thủ quân tuyển nữ Afghanistan phải kêu gọi các tổ chức thể thao như FIFA hay Ủy ban Olympic Quốc tế thể hiện sự ủng hộ và giúp bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất ở Afghanistan - bao gồm cả đội tuyển nữ mà cô góp công xây dựng.

"Hãy giúp chúng tôi bảo vệ những người cầu thủ nữ đã bị lộ danh tính. Hãy giúp các họ được an toàn", Popal cầu viện sự giúp đỡ. 

Tương lai u ám 

Theo Popal, việc quân đội quốc tế rút quân, do các lực lượng Hoa Kỳ và Anh dẫn đầu, sau 20 năm hiện diện ở quê nhà hiện đã gây tổn hại nặng nề đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em Afghanistan.

Trong thời kỳ cai trị từ năm 1996 đến năm 2001, Taliban đã ngăn không cho phụ nữ được quyền hưởng bất kỳ hình thức giáo dục nào.

Người dân Afghanistan đến sân bay Kabul với hy vọng thoát khỏi sự cai trị của Taliban. 
Người dân Afghanistan đến sân bay Kabul với hy vọng thoát khỏi sự cai trị của Taliban. 

Phụ nữ không thể ra khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng, không được phép làm việc, bị buộc phải mặc đồ burqa kín người và bịt kín mặt. Ai vi phạm các quy định của Hồi giáo cực đoan đều phải chịu hình phạt đánh đạp tàn bạo.

"Sau 20 năm phụ nữ đứng lên đấu tranh cho quyền tự do, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị bỏ mặc.
 
Tất cả những gì chúng tôi nghe được (từ các quốc gia can thiệp quân sự - ND) là 'chúng tôi không còn lợi ích nào ở Afghanistan nữa'. Không ai nói về việc bảo vệ các nhà hoạt động nữ, các cầu thủ nữ, hay các nhà báo đang gặp rủi ro ở quốc gia này", Popal nhấn mạnh. 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện