Thể thao

Đội tuyển Việt Nam đổi chiến thuật, chơi tấn công trước Trung Quốc?

16:18, 05/10/2021
Tuyển Việt Nam đá phòng ngự trong 3 trận gần nhất gặp đối thủ mạnh ở vòng loại World Cup, nhưng ở cuộc so tài với Trung Quốc, có thể HLV Park Hang Seo sẽ thay đổi.

Lối chơi phòng ngự phản công dựa trên nền tảng sơ đồ 3 hậu vệ là chìa khóa thành công của bóng đá Việt Nam trong suốt 4 năm HLV Park Hang Seo nắm quyền. Nhờ khối phòng ngự vững chắc và kỷ luật, tuyển Việt Nam đủ sức làm khó những đội tuyển hàng đầu khu vực như Nhật Bản, Iran, Australia, Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, mọi lối chơi đều có giới hạn và nhược điểm. Nhiều khả năng, HLV Park Hang Seo sẽ phá bỏ "lối mòn" phòng ngự ở cuộc so tài với Trung Quốc đêm 7/10 tới.

 

HLV Park Hang Seo sẽ thay đổi cách tiếp cận trận đấu?

Trung Quốc phòng ngự không tốt

Lối chơi phòng ngự đã giúp tuyển Việt Nam chơi ổn ở 2 trận đầu. Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội dẫn trước Ả Rập Xê Út và chỉ thua trận sau khi Đỗ Duy Mạnh nhận thẻ đỏ. Ở cuộc so tài với Australia, tuyển Việt Nam thua với cách biệt tối thiểu, trước đối thủ có 9 cầu thủ đang chơi bóng ở những nền bóng đá hàng đầu châu Âu.

Dù vậy, hạn chế của lối đá phòng ngự phản công cũng bộc lộ, đó là đội hình lùi về quá sâu ở phần sân nhà khiến tuyển Việt Nam bị động khi đối thủ tăng tốc, thay đổi nhịp độ. Tuyến tiền vệ, tiền đạo mất quyền kiểm soát bóng, dẫn đến những đường phản công dễ bị bắt bài. 

Khi không thể gây áp lực, tuyển Việt Nam có thể kìm hãm đối thủ ở một khoảng thời gian, nhưng thất bại chỉ là vấn đề thời gian. Chỉ khi chủ động chơi bóng, điều tiết nhịp độ và gây áp lực ngược trở lại, các học trò của HLV Park Hang Seo mới có cơ hội tạo bất ngờ.

Tuyển Trung Quốc là đối thủ phù hợp để ban huấn luyện tuyển Việt Nam thực hiện điều chỉnh. Trung Quốc không mạnh ở kỹ thuật cá nhân và kiểm soát bóng như Ả Rập Xê Út, cũng không có thể lực, sức vóc và lối chơi trực diện kiểu Australia.

Đội bóng của HLV Li Tie đang gặp nhiều vấn đề, trước hết ở khả năng phòng ngự. 3 trận vừa rồi của Trung Quốc lần lượt gặp Syria, Australia, Nhật Bản, cặp trung vệ chỉ có 1 cầu thủ chơi xuyên suốt là Tyias Browning (ngôi sao nhập tịch).

Còn lại người đá cặp liên tục thay đổi từ Zhang Linpeng ở trận Syria rồi đến Yu Dabao ở trận thua Australia và mới nhất là Li Ang ở trận thua Nhật Bản. 

Trung Quốc nhận 4 bàn thua, nhiều bằng tuyển Việt Nam, nhưng khung thành của thủ môn Yan Junling bị đối thủ bắn phá tới 28 lần trong 2 trận - con số cho thấy hàng thủ Trung Quốc dễ bị vượt mặt ra sao. 

 

Tuyển Trung Quốc (áo đỏ) bị đối thủ sút 28 lần về khung thành sau 2 trận đầu. 

"Hàng thủ đang là vấn đề lớn của HLV Li Tie. Đây là vấn đề tuyển Trung Quốc chưa thể giải quyết dứt điểm, dù liên tục lộ ra ở các trận đấu nội bộ. Nếu Jiang Guangtai và Zhang Linpeng không mạnh ở khâu xoay sở để đối đầu với những mũi tấn công của tuyển Việt Nam, nên hàng thủ Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực ở trận này", trang Sohu phân tích. 

Công Phượng đá cặp Tiến Linh?

Đối đầu với hàng thủ chậm chạp, xoay sở không tốt của Trung Quốc, HLV Park Hang Seo cần những mũi tấn công khéo léo, kỹ thuật để xuyên phá vào khoảng trống.

Dễ thấy ở 2 trận đầu, trung phong Nguyễn Tiến Linh thi đấu mờ nhạt, bởi cầu thủ sinh năm 1997 đơn độc, lạc lõng trên hàng công, còn tuyến tiền vệ lùi quá sâu để phòng ngự.

Tiến Linh không phải tiền đạo giỏi xoay sở ở thế quay lưng, hay bứt tốc 30, 40m cho một tình huống phản công. Để xé lưới Trung Quốc, Tiến Linh cần được chơi gần khung thành, hoặc có thêm đối tác "chia lửa". Cầu thủ phù hợp có thể là Nguyễn Công Phượng.

Công Phượng (giữa) được lựa chọn?

Công Phượng không phải lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang Seo. 7 trận ở vòng loại thứ hai, Công Phượng chỉ ghi 1 bàn. Tiền đạo sinh năm 1995 thường vào sân từ ghế dự bị và không để lại ấn tượng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Phan Văn Đức sa sút phong độ (không ghi bàn từ năm 2019 đến nay), còn Nguyễn Văn Toàn chưa thể hiện vai trò khi đá dạt cánh, HLV Park Hang Seo có thể tin tưởng Công Phượng một lần nữa.

Bộ đôi Công Phượng - Tiến Linh ít khi sát cánh trong hệ thống hai tiền đạo (tuyển Việt Nam ưu tiên 3-4-3), nhưng sơ đồ 3-5-2 với "họng súng hai nòng" nói trên có thể là lựa chọn của HLV Park Hang Seo.

Với sơ đồ này, tuyển Việt Nam có thêm nhân sự tuyến giữa (5 tiền vệ, gồm 3 tiền vệ giữa), song vẫn đảm bảo nhân sự tấn công khi Tiến Linh, Công Phượng cùng đá gần khung thành, thay vì chỉ trông đợi vào khả năng làm tường của Tiến Linh.

 

Tiến Linh từng ghi bàn vào lưới U22 Trung Quốc. 

Ngoài ra, khả năng rê dắt, tạo đột biến và lối đá khó lường của Công Phượng có thể là khắc tinh với hàng thủ chậm chạp của Trung Quốc. Tiền đạo của HAGL đặc biệt giỏi ở khả năng độc lập tác chiến và giữ bóng - yếu tố hàng công Việt Nam không thể hiện được ở 2 trận trước.

"Tuyển Việt Nam cần mạnh dạn đẩy cao đội hình thêm 10, 20m để đẩy nguy hiểm ra xa vòng cấm", chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích. Trong khi đó, BLV Ngô Quang Tùng khẳng định "tuyển Việt Nam phải cầm nhịp chơi, nếu không muốn mất thế trận, để đối thủ dồn ép tuyến giữa".

Phòng ngự vẫn là nền tảng, nhưng phải sở hữu những miếng đánh táo bạo trên hàng công, đội bóng của HLV Park Hang Seo mới có thể nghĩ tới chiến thắng. 

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện