Các Bộ ngành, địa phương cần phát động phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu năm
Năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức phát động, chỉ đạo thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực với các hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) đã được tổ chức rộng khắp. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính Phủ phát động tiếp tục được triển khai có hiệu quả, trở thành nòng cốt các phong trào thi đua của cả nước như “Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Các phong trào thi đua của các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh nhân rộng điển hình tiên tiến được các cấp, các ngành tiếp tục tập trung quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến rõ nét.
Năm 2018, Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 55.463 trường hợp, riêng khen thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có 15.320 trường hợp, trong đó khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chiếm trên 21%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình yêu cầu trong năm 2019, các Bộ ngành, địa phương cần quyết liệt hơn, sáng tạo hơn để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, tiếp tục quán triệt tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phát động phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu năm, trong đó, quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích cao nhất để hoàn thành kế hoạch phát triển KT – XH giai đoạn 2016 – 2020 và chào mừng Đại hội của Đảng toàn quốc lần thứ 13, kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật thi đua khen thưởng, trong đó chú trọng xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các Bộ ngành, địa phuonwg cần chú trọng phát hiện khen thưởng các mô hình mới, nhân tố mới, tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, hành động dũng cảm, sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập, công tác hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhất là quan tâm đến người lao động trực tiếp là công nhân, nông dân; Thực hiện bình chọn, xét khen thưởng đúng quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đảm bảo kịp thời công khai, minh bạch; Tiếp tục kiện toàn tổ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng lưu ý một số tồn tại như: Vẫn còn có sai sót trong công tác thi đua khen thưởng; Tình trạng giải quyết hồ sơ chậm; Một số địa phương chưa quan tâm đến khen thưởng người lao động trực tiếp… Đồng chí yêu cầu các Bộ ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua khen thưởng năm 2019./.
Mai Hương – Chu Quý