Nghệ An: Triển khai cấp bách các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, sáng nay (3/6), đ/c Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 21 huyện, thành, thị triển khai cấp bách các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bắt đầu xuất hiện dịch từ ngày 13/3/2019, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 272 hộ ở 122 xóm của 66 xã thuộc 15/21 huyện, thị của Nghệ An. Tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy gần 1.600 con với trọng lượng hơn 64 tấn. Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay diễn biến dịch càng phức tạp, bùng phát và lan nhanh.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, các địa phương đều thừa nhận khó khăn trong ngăn ngừa, phòng chống dịch. Đó là tốc độ lây lan nhanh trên diện rộng nhưng không theo quy luật mà “nhảy cóc” qua các địa bàn. Đặc biệt với những huyện có các tuyến Quốc lộ đi qua, việc kiểm soát lợn vận chuyển qua địa bàn hết sức khó khăn. Việc test mẫu mất khá nhiều thời gian cũng ảnh hưởng đến công tác triển khai phòng chống dịch, đặc biệt đối với các huyện miền núi.
Giải pháp hữu hiệu nhất mà các ngành chuyên môn đề xuất vẫn là cần làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng ngay cả những vùng, những hộ chăn nuôi chưa xuất hiện dịch kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với những giải pháp này thì phương án giết mổ thịt lợn sạch, cấp đông dự trữ cũng được đề cập.
Lãnh đạo Sở NN & PTNT cho rằng, Nghệ An cần phải thực hiện một số giải pháp quyết liệt hơn so với chỉ đạo, yêu cầu của Bộ NN & PTNT. Đó là không sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn; việc xử lý lợn có dấu hiệu bệnh cần kịp thời, không nhất thiết phải có kết quả test mẫu...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh tính cấp bách của công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ TW đến địa phương, của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm về diễn biến dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các địa phương chưa xuất hiện dịch cần phải chủ động công tác phòng bệnh hơn những địa phương đang có dịch. Cách tuyên truyền cho người chăn nuôi cũng phải hướng tới mục tiêu: ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhận diện nguy cơ dịch bệnh. Ban chỉ đạo tỉnh phải theo dõi sát sao công tác thực hiện phòng chống dịch, đánh giá hiệu quả phối hợp giữa các bên liên quan. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, vận chuyển, buôn bán... không chỉ giao cho cán bộ Thú y – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh và yêu cầu các ngành cần bố trí đủ lực lượng cùng vào cuộc. Khống chế nhanh nhất, hạn chế lây lan, sau dập dịch từ mỗi xã phải rút kinh nghiệm ngay... Cho đến cuối buổi họp, câu hỏi mà Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nêu ra từ đầu hội nghị yêu cầu chỉ rõ: ngành nào, địa phương nào trong quá trình kiểm soát dịch 3 tháng qua còn lỏng lẻo, để dịch lây lan phức tạp vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng./.
Xuân Hướng - Trường Ca
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin