Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa 17: Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Sáng 11/11, tại TP. Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An đã khai mạc kỳ họp thứ 11 khóa 17, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Hồng Khanh – Hàm Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Ban Tổ chức Trung ương; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh, kỳ họp lần này được tổ chức xuất phát từ yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo công tác quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm và bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.
HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, thảo luận để thông qua một số nội dung, gồm: bãi bỏ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 274 ngày 23 tháng 7 năm 2009 của HĐND tỉnh về việc thông qua chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động; về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; về hỗ trợ kinh phí khuyến khích các xã, phường, thị trấn đạt và liên tục duy trì đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2020; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Nghệ An quản lý.
Nội dung kỳ họp rất quan trọng, thời gian chuẩn bị cho kỳ họp trong 1 buổi sáng, do đó, để đảm bảo chất lượng và chương trình đề ra, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đề cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ các nội dung tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp, tích cực tham gia thảo luận tạo sự thống nhất cao để Hội đồng nhân dân tỉnh có quyết định đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021
Tiếp đó, kỳ họp đã tiến hành bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Nam Đàn, đã được giới thiệu để HĐND tỉnh Nghệ An bầu bổ sung giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Kết quả, ông Hoàng Nghĩa Hiếu được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ phiếu bầu 78/78 phiếu và ông Bùi Đình Long được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ phiếu bầu 76/78 phiếu.
HĐND tỉnh cũng đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Ngọc Hà - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Trước đó, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành miễn nhiệm và biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đinh Viết Hồng, nay được nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước.
Đồng thời, HĐND tỉnh cũng đã miễn nhiệm và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Văn Hùng - Ủy viên UBND tỉnh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ chế độ hưu trí.
Kỳ họp cũng đã tiến hành xem xét 4 tờ trình và dự thảo Nghị quyết, trong đó Nghị quyết chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận với 9 ý kiến nêu lên những băn khoăn về nguyên tắc xây dựng chính sách và mức hỗ trợ.
Băn khoăn về nguyên tắc xây dựng chính sách và mức hỗ trợ
Đồng tình phạm vi, đối tượng hoạt động theo dự thảo, tuy nhiên các đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Quỳ Hợp, Nguyễn Văn Hải - Tương Dương băn khoăn về mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại khối, xóm; người kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng giống như người chỉ đảm nhận một chức danh là chưa công bằng, thỏa đáng với sự cống hiến của đội ngũ này.
Liên quan nội dung này, đại biểu Lê Thị Vinh - Nghĩa Đàn đề nghị làm rõ thêm mức phụ cấp của cán bộ dôi dư cấp xóm. Mức phụ cấp theo dự thảo đưa ra chưa đảm bảo công bằng, đề nghị quy định theo tỷ lệ thuận theo năm công tác. Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng – Nam Đàn cũng cho rằng, chính sách cần quy định cụ thể theo phân loại xã, xóm; người đảm nhận công tác ở xóm liên tục.
Chính sách nhân văn không phải là "quà tặng"
Thống nhất quan điểm ban soạn thảo đề xuất, đại biểu Lê Xuân Đại khẳng định cần phải hiểu nhất quán, đây là chính sách hỗ trợ đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xóm, bí thư chi bộ.
Theo ĐB Lê Xuân Đại, chính sách này không phải là “món quà” để tặng cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, hỗ trợ phải ghi nhận mức độ cống hiến khác nhau. Mức hỗ trợ cho các đối tượng là cán bộ công chức người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sát nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh là do tổ chức sắp xếp lại.
Giải trình ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Phan Đức Đồng - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng thực hiện chính sách này trên cơ sở cân nhắc ngân sách, đây là chính sách chi trả phụ cấp dôi dư chứ không phải chi trả chính sách tiếp theo đây. Chính sách này được áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách tại khối, xóm có thời gian làm việc lâu cũng như mới phải nghỉ việc do đó cần thực hiện chế độ hỗ trợ như nhau. Về số liệu bảng biểu, ban Pháp chế cũng đã yêu cầu ban soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ lại vì liên quan đến cơ chế chính sách.
Liên quan nội dung này, ĐB Lê Đình Lý - GĐ Sở Nội vụ cho biết quá trình nghiên cứu, soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, các cơ quan chuyên môn đã lấy ý kiến các ngành, các địa phương quy định các chính sách, nội dung cụ thể. Theo đó, đối tượng làm công tác xã, xóm kiêm nhiệm rất nhiều chức danh, vì thế quá trình nghiên cứu, đã lựa chọn mức chi trả theo chức danh có mức hỗ trợ cao nhất. Về tính thời gian, đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo pháp luật hiện hành, được hỗ trợ mỗi năm công tác bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng, không quá 15 tháng, căn cứ theo nguồn kinh phí và nguyên tắc này chỉ phục vụ cho NQ này.. Đây là một chính sách nhân văn mang tính chất hỗ trợ, căn cứ vào nguồn ngân sách có thể cân đối và so sánh với các tỉnh trong khu vực đã ban hành chính sách này thì Nghệ An đảm bảo ngang hoặc cao hơn; đặc biệt là Nghệ An có thêm chính sách hỗ trợ cho các chức danh
Chính sách hỗ trợ không phải mang tính chất ngẫu nhiên
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu làm rõ thêm căn cứ xây dựng chính sách được tính toán trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh và trong điều kiện ổn định ngân sách, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 liên tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã tạo sự bị động. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn để tạo được sự đồng thuận và người thụ hưởng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cần vào cuộc tuyên truyền rộng rãi để cán bộ và nhân dân đồng thuận; cần cố gắng sắp xếp hợp lý để có điều kiện thực hiện; mức hỗ trợ phải được tham khảo các tỉnh bạn để tránh sự so sánh; cần cân đối ngân sách để ban hành chính sách cho phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh nêu quan điểm đây là chính sách hỗ trợ cho các đối tượng phải nghỉ việc khi sát nhập các đơn vị; chính sách hỗ trợ khi có tình huống xảy ra chứ không phải theo tính chất ngẫu nhiên.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, những ý kiến phản ánh của các đại biểu HĐND tỉnh đều thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn để HĐND tỉnh có cái nhìn tổng thể, đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Về quá trình thực hiện, khi xây dựng chính sách, cần bao quát trong một mức độ nhất định; nhận thức hỗ trợ này như thế nào; người làm lâu năm hay người mới làm thì bản chất đều là mất việc, là đối tượng dôi dư vì thế Nghị quyết chỉ mang tính hỗ trợ. Trong điều kiện hiện nay, mong các đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh chia sẻ.
Kỳ họp cũng đã biểu quyết thông qua 4 dự thảo Nghị quyết chuyên đề với sự thống nhất cao trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận, xem xét của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh các nghị quyết được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, kịp thời điều chỉnh những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn để đảm bảo thực hiện tốt các vấn đề về y tế, giáo dục, an sinh xã hội của tỉnh, giải quyết chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh.