Thời sự - Chính trị

Chân lý không bao giờ thay đổi

19:10, 20/04/2020
Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai". 

Đó là phát biểu của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh VOV.VN
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh VOV.VN

Đây không phải là lần đầu tiên, Việt Nam phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc có hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Trước đó, ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây xôn xao dư luận quốc tế và khu vực. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.  

Nguy hiểm hơn, ngày 13.8.2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm ở khu vực bãi Tư Chính, thuộc vùng biển nam Biển Đông, vốn hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, tính từ đất liền.Thậm chí sau đó, Cục Hải sự Hải Nam ngang nhiên thông báo quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam… Tất cả hành vi trắng trợn này của Trung Quốc đã bị Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc và kịch liệt lên án.

Hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Có thể nói, hành vi thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là hành động thống nhất có dã tâm của Trung Quốc nhằm biến biển Đông thành nhà của mình. Việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và pháp luật quốc tế. Đây cũng là một hành vi trong chuỗi hệ thống luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: CSIS/AMTI.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: CSIS/AMTI.

Biển Đông là con đường hàng hải lớn nhất nhì thế giới, là bãi đánh cá lớn nhất thế giới, bể chứa dầu mỏ. Thêm vào đó, các rãnh sâu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng là nơi lý tưởng để tàu ngầm hoạt động.  

Với vị trí địa lý quan trọng như vậy, Trung Quốc có dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp, để đòi quyền “cùng khai thác”. Trong khi theo Công ước Luật biển 1982, hay còn gọi là UNCLOS 1982, đó là đặc quyền, độc quyền của Việt Nam. UNCLOS 1982 quy định ngay cả nếu Việt Nam không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thì cũng không một quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự cho phép rõ ràng của Việt Nam. Bởi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Và đương nhiên, là quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc.

Đá Chữ Thập bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Getty.
Đá Chữ Thập bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Getty.

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!

Trong lịch sử hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi, hy sinh nhiều xương máu để giành lại độc lập, tự do của dân tộc, chiến thắng giặc phương Bắc, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ khi Lý Thường Kiệt viết bài thơ Sông núi nước Nam, được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên về chủ quyền của đất nước, tinh thầnđoàn kết, lòng yêu nước của người Việt Nam đã luôn là sức mạnh to lớn để dân tộc Việt Nam chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Bác Hồ đã từng nói :“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Quan điểm của Việt Nam trước sau như một, đó là khẳng định chủ quyền lãnh thổ với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là chân lý muôn đời không bao giờ thay đổi.

Vừa qua, nhiều hành động của các trang mạng xã hội như công cụ tìm kiếm Google và mạng xã hội Facebook đưa ra bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo này, là hành vi gây bức xúc cộng đồng. Ngày 18/4/2020, UBND tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Bộ TT-TT yêu cầu Google Maps gỡ bỏ.

 

Trước đó, ngày 17/4, người dân phát hiện trên Google Maps đã ghi “Bãi biển Phú Lâm Golden, sandy South China sea beach” lại là vị trí ven biển phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Đây là thông tin sai sự thật trên bản đồ Việt Nam. Bản đồ Facebook ngày 16/4 cũng hiển thị sai về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đó là đường biên giới bản đồ không bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, mạng xã hội này đã sớm chỉnh lại và xin lỗi. Việt Nam cũng yêu cầu Facebook hiển thị 2 quần đảo này lên bản đồ của Việt Nam và xóa bỏ ngay lập tức chúng trên bản đồ của Trung Quốc.

Nghị định 15/CP của Chính phủ có hiệu lực ngày 15/4 cũng quy định rõ trách nhiệm của công dân Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia khi sử dụng mạng xã hội. Cụ thể tại điểm g, Khoản 1 ,Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, người dùng có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, nếu như cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Từ những sự việc trên cho thấy, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay là vấn đề của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị, hay nói đúng hơn là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ dựa vào tiềm lực sức mạnh quân sự mà còn phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kết hợp giữa sức mạnh trong nước và sức mạnh của quốc tế.

 

Cùng với việc triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhất là biện pháp pháp luật trên thực địa và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế và khu vực về chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong biển Đông, Nhân dân Việt Nam cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, không loại trừ Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông trong thời gian tới.

Những bài học trong thời gian qua cho thấy Đảng ta luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, nhưng kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

Nguyễn Thị Hạnh Loan

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện