Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ số 5. |
Tham dự phiên thảo luận tại tổ số 5, có các đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các Sở, ban, ngành, đơn vị: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Văn hóa và Thể thao, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Ông Vi Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn chủ tri phiên thảo luận tại tổ số 5. |
Tại các tổ thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, khó khăn và những nội dung cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh
Đồng tình với báo cáo KTXH 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Hải – Bí thư huyện ủy Tương Dương cho rằng báo cáo đã đánh giá cụ thể những khó khăn mà toàn tỉnh phải đối mặt. Trong đó, diễn biến khí hậu phức tạp, hạn hán kéo dài, nhất là ở địa bàn miền núi, nguồn nước sinh hoạt thiếu thốn do hạn hán, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 vẫn ước tăng 2,69%. Đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành có trọng tâm trọng điểm của UBND tỉnh, ông Hải cho rằng trong giai đoạn đại dịch Covid, tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao và các huyện đều thực hiện tốt, sức lan tỏa lớn, người dân tích cực đóng góp sức người sức của hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch. Vì vậy, tại 34 điểm cách ly trong toàn tỉnh đều đảm bảo an toàn, không có trường hợp nào mắc Covid. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tương Dương, số người đi làm ăn xa nhiều, nhưng ANTT, ATXH rất đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Hải - ĐB Tương Dương đánh giá cao sự điều hành, chỉ đạo của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm. |
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Hải, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - ĐB huyện Kỳ Sơn cho rằng, nét nổi bật trong 6 tháng đầu năm đó là công tác điều hành của UBND tỉnh bài bản hơn, chắc chắn, thông thoáng và quyết liệt hơn, nhất là vai trò của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thể hiện rất rõ. Đặc biệt, sự triển khai điều hành trong công tác phòng chống Covid của UBND tỉnh rất tốt; cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành đều vào cuộc quyết liệt. Tốc độ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt gần 45%, đứng tốp đầu của cả nước, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao cách làm của tỉnh Nghệ An tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ mới đây.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng trong đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, cần phải phân tích những tồn tại, nguyên nhân nhất là các nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp các ngành trong từng lĩnh vực cụ thể. Đại biểu Vi Văn Sơn (Con Cuông) nêu gần hết tháng 7 nhưng trong đánh giá vẫn đưa ra con số dự ước đạt quá nhiều.
Ông Vi Văn Sơn - ĐB huyện Con Cuông đề nghị báo cáo KT-XH cần đánh giá, đưa ra con số cụ thể cho 6 tháng đầu năm. |
Về 6 tháng cuối năm cần có dự báo khả năng đạt được ở mức độ nào? Ví dụ như tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm, thu ngân sách có đạt không? Quan trọng nhất là chỉ tiêu nông nghiệp, mặc dù sản lượng 6 tháng đầu năm đạt khá cao, nhưng tổng sản lượng cuối năm dự kiến khó đạt do hạn hán; Tổng đàn gia súc, đàn lợn cũng khó đạt do tái đàn sau dịch gặp khó khăn…
Chậm giải quyết hậu quả các dự án thủy điện
Có thể nói, những bất cập, hạn chế từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã tồn tại cả chục năm nay và được cử tri kiến nghị nhiều lần. Những bức xúc của cử tri, mặc dù trước đó HĐND tỉnh đã có nhiều động thái tác động để giải quyết, nhưng vẫn chưa có bước chuyển.
ĐB Nguyễn Văn Hải nêu: "Cử tri Tương Dương phản ánh có 6 hộ dân ở bản Lưu Kiền, xã Lưu Kiền bị ảnh hưởng của tích nước thủy điiện bản Ang làm nứt nhà dân từ năm 2016. Cho đến nay, tất cả các thủ tục kiểm tra thực tế, họp bàn, kiến nghị, các phương án di dời, tái định cư đã được gửi cấp trên cũng như chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn. Thế nhưng, đến nay không hiểu vì sao phía chủ đầu tư vẫn chưa chịu thực hiện nghĩa vụ của mình".
Thủy điện bản Ang. (Ảnh Internet) |
Liên quan đến trách nhiệm của các dự án thủy điện, ông Nguyễn Văn Hải bức xúc: mặc dù Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực VN và đã có chỉ đạo cụ thể việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc kéo dài ở dự án Thủy điện Bản Vẽ tại Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 trên cơ sở đề xuất của tỉnh, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được bất cứ nội dung nào về tái định cư cho 13 hộ dân bị ảnh hưởng, tiền sửa chữa nhà ở cho các hộ dân ở các khu tái định cư vấn chưa được thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Hải các tồn tại, hạn chế kéo dài cái chính là do các chủ đầu tư đang thiếu trách nhiệm, chậm thực hiện theo cam kết, hứa xong để đấy. Vì vậy, huyện đề nghị các cấp, ngành cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về sở, ban, ngành nào và cần sớm có phương án xử lý để người dân khu tái định cư sớm ổn định cuộc sống khi mùa mưa lũ sắp về.
Cần đánh giá đúng các công trình trọng điểm
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - ĐB Kỳ Sơn đề nghị cần đánh giá đúng các Dự án trọng điểm. |
ĐB Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn theo báo cáo đánh giá lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Nghệ An rất kém so với các tỉnh khác do địa chính trị. Đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá lại hội nghị xúc tiến đầu tư trong 10 năm qua, hiệu quả kinh tế đến đâu?
Về các dự án được tỉnh xác định là trọng điểm như dự án FLC khu nghỉ dưỡng Nghi Thiết, Tân Kỳ, xi măng Hoàng Mai giai đoạn 2… cần đánh giá lại đã đúng là Dự án trọng điểm chưa. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra lại lý do tại sao Chính phủ không phê duyệt, vướng mắc tại Bộ, ngành nào?
Các đại biểu cũng băn khoăn trước thực trạng chưa thu hút được các doanh nghiệp người Nghệ An đầu tư vào địa bàn Nghệ An.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là là ô nhiễm bãi rác ở Nghi Yên rất trầm trọng, hiện nay 74 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được di dời, nhưng do chưa có kinh phí, vì vậy đề nghị UBND tỉnh tập trung vấn đề này, tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho người dân. Ngoài ra, vấn đề rác thải sinh hoạt vị trí tập kết để rất gần khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa bàn thành phố.. cũng được ĐB Cầu đề cập.
Ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đề nghị có đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án phân loại đô thị Con Cuông và Đề án phân loại đô thị Khe Choăng. |
Tìm hướng đi cho xuất khẩu nông sản
Phát biểu tại tổ thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ những băn khoăn về hướng đi của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, ngành cần đưa ra các giải pháp đồng bộ để có hướng đi phát triển mới, cần chú trọng, tìm hướng để xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hội nhập, tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế tiên tiến. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến tình trạng thiếu đất sản xuất, cần thay đổi phương thức sản xuất cho bà con miền núi; quan tâm đến quy hoạch đất lâm nghiệp, đất rừng để giao đất cho bà con sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ những băn khoăn về hướng đi của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. |
Cùng với đó, tỉnh cần có các giải pháp, cách làm quyết liệt, đồng bộ để tăng cường thu hút đầu tư sau hậu Covid-19. “Làm thế nào để doanh nghiệp tin, không để doanh nghiệp chạy vòng, không hạnh họe doanh nghiệp. Nên tăng cường sự giám sát đối với các sở, ngành, đặc biệt là các sở, ngành cấp phép cho các doanh nghiệp để các ngành vào cuộc, đồng hành cùng với doanh nghiệp. Có như vậy, việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong năm nay và các năm sau mới đạt hiệu quả cao.”
Đại biểu Lầu Bá Chày ( Kỳ Sơn) băn khoăn về chế độ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCMT. |
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất một số kiến nghị cụ thể của cử tri các địa phương; như cần động viên các huyện miền núi nhất là các đơn vị thôn, bản trong xây dựng NTM; Đại dịch Covid 19 thay đổi phương thức xã hội, nhất là ngành giáo dục học trực tuyến, UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục cần đánh giá cụ thể phương thức học trực tuyến có gì thuận lợi, khó khăn hơn so với hình thức học trực tiếp? Việc chỉ đạo thực hiện NQ 20 về hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi đến 2025 cần phải ổn định; cần có giải pháp quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính..
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu. |
Tại phiên thảo luận tại tổ, các sở ngành cũng đã có giải trình thỏa đáng. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có ý kiến làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay sẽ được tổng hợp và được các ngành liên quan giải trình cụ thể trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 21/7.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin