Trình Quốc hội tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, sau 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt |
Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo tờ trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, ở lần sửa đổi này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều. Tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi gồm 232 điều.
Cũng trong Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến của Quốc hội đối với 2 nội dung chính: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. |
Phải có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả
Thẩm tra tờ trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí phương án “giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký”.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả”. Đồng thời nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan; rà soát, đề xuất sửa đổi đồng bộ các quy định về quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật đề nghị vẫn giữ quy định của luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với 4 lý do; một trong số đó là việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật...
"Ăn cắp trí tuệ, ăn cắp ý tưởng của nhau làm sao đất nước phát triển được"
Cho ý kiến tại cuộc thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dự án luật có chất lượng tốt, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về cam kết quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. |
Về 2 vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thường vụ đã bàn rất kỹ. “Về nội dung chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, dự án… được tài trợ từ NSNN, chúng tôi thống nhất với phương án giao cho cơ quan chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, đúng như Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói, giao nhưng cũng phải tính đến cơ chế phân chia hợp lý. Những sáng kiến, phát minh nhỏ thì không nói, nhưng có những thứ rất lớn, mang lại lợi ích, mà tiền nhà nước bỏ ra, nhưng chỉ có đơn vị, cá nhân thụ hưởng, Nhà nước không có gì, cũng không được. Cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và cơ quan chủ trì”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Về vấn đề thu hẹp xử phạt hành chính đối với quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Qua nghiên cứu kỹ thấy rằng đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, rất cần bảo vệ sở hữu trí tuệ, phải nghiêm hơn, thậm chí phải xử phạt hình sự. Trong khi, phạt hành chính tiện lợi ở chỗ cả người bị phạt và người được phạt đều chấp nhận và giải quyết rất nhanh”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong lúc đang phát triển và coi trọng sở hữu trí tuệ, nên chăng không nhất thiết phải sửa? Vì lập luận để sửa chưa có gì thuyết phục, trong khi luật đang vận hành, cũng không vướng mắc gì, xử phạt xong là xong, chi phí thực thi pháp luật rất nhanh.
“Chúng ta cần phải làm nghiêm việc này thì đất nước mới phát triển. Chứ toàn ăn cắp trí tuệ, ăn cắp ý tưởng của nhau làm sao đất nước phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin